Chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 thấp nhất trong 30 năm

26/12/2019 19:28 GMT+7
Các nhà kinh tế hàng đầu mới đây dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc nhiều khả năng chỉ đạt 5,9%, một cuộc khảo sát do Nikkei Asian Review thực hiện mới đây cho thấy.
Khảo sát Nikkei: Chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 thấp nhất trong 30 năm - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 dự kiến chỉ đạt 5,9%

Trước đó, các chuyên gia phân tích dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2019 đạt khoảng 6,2% do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung, thấp hơn nhiều mức tăng 6,6% hồi năm 2018. Dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2019 ước đạt 6%, tức bằng quý III/2019. Như vậy, trong năm 2019, kinh tế Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng mục tiêu trong khoảng 6-6,5% mà Bắc Kinh đặt ra hồi đầu năm.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Nikkei mới đây phỏng vấn các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã chỉ ra tăng trưởng GDP năm 2020 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể chỉ đạt 5,9%. Cụ thể, 26 nhà kinh tế được hỏi cho hay mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 nằm trong khoảng 5,6-6,1%, trong khi 19 nhà kinh tế khác dự kiến mức tăng trưởng chỉ nằm trong phạm vi 5-5,5%. Như vậy, 2020 nhiều khả năng sẽ là năm đầu tiên trong 30 năm kể từ năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng GDP dưới 6%.

Chuyên gia nói gì?

Ting Lu, nhà kinh tế phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Nomura thậm chí còn dự đoán mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2020. Ông cho biết: “Tôi tin rằng chu kỳ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc chưa kết thúc. Chính sách tài khóa kém hiệu quả, đầu tư kinh doanh suy yếu, khủng hoảng tín dụng ở các thành phố nhỏ và lĩnh vực xây dựng bất động sản giảm tốc sẽ kéo theo mức tăng trưởng thấp”.

Còn Shen Jiangguang, nhà kinh tế trưởng tại JD Digits thì dự đoán xu hướng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn do sự trì trệ trong cải cách cơ cấu kinh tế và rủi ro tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc mới đây tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, qua đó tạm chấm dứt cuộc xung đột thương mại đầy cay đắng kéo dài 18 tháng qua, nhưng thuế quan trừng phạt vẫn gây áp lực nặng nề lên thị trường toàn cầu. Nội dung thỏa thuận chỉ đề cập đến việc Mỹ giảm thuế từ 15% xuống 7,5% với 120 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc bị đánh thuế hồi tháng 12. Nhà Trắng vẫn duy trì mức thuế lên tới 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc bị áp thuế hồi tháng 6, còn thuế quan trả đũa của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Các chuyên gia phân tích Goldman Sachs đã bày tỏ sự thất vọng với mức dỡ bỏ thuế quan hạn chế của thỏa thuận giai đoạn 1.

Liao Qun, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng CITIC International nhận định: “Thỏa thuận giai đoạn 1 thực chất chỉ mạng tính chất tạm thời. Thật vậy, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí có nguy cơ leo thang trong tương lai”. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 2 sẽ trở nên khó khăn hơn do đề cập trực tiếp đến những mâu thuẫn cốt lõi giữa hai quốc gia như vấn đề trợ cấp công nghiệp hay chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á tại Daiwa Capital cho biết: “Xung đột lớn nhất sẽ được giải quyết tại thỏa thuận giai đoạn 2, nhưng tôi nghi ngờ điều này sẽ không xảy ra sớm. Có lẽ phải đợi đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ (tháng 11/2020)”.

Dự đoán về mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra trong năm 2020, 8 trong số 12 chuyên gia được hỏi đề xuất mức 6%. Bà Mihoko Hosokawa, giám đốc điều hành hoạt động nghiên cứu tại ngân hàng Mizuho nhận định tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm dần do cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp.

Tetsuji Sano, nhà kinh tế thị trường Châu Á từ Sumitomo Mitsui Asset Management thì cho hay: “Nhiều người cho rằng Trung Quốc cần đạt mức tăng GDP 6,2% trong năm 2020 để đạt được mục tiêu tăng trưởng gấp đôi quy mô GDP của đất nước sau 1 thập kỷ mà Đảng Cộng sản đề ra năm 2010. Nhưng mức tăng trưởng thấp hơn vẫn giúp Trung Quốc đạt mục tiêu, vì tăng trưởng GDP năm 2018 đã được điều chỉnh nâng. Tức là hiện tại, dù tăng trưởng GDP giảm xuống 5,5% trong năm 2020, Trung Quốc vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng”.

Ken Chen, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc tại KGI Asia thì dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng dù điều đó có nguy cơ dẫn đến thâm hụt tài khóa lớn hơn. Arjen van Dijkhuizen, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng ABN AMRO kỷ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay tham chiếu LPR khoảng 2 lần trong năm, mỗi lần khoảng 0,05-0,1%.

Trái ngược với quan điểm này, một số nhà kinh tế như Sophie Altermatt từ Julius Baer nhận định Chính phủ nhiều khả năng sẽ thận trọng trong việc tung ra các biện pháp kích thích và dần chấp nhận thực tế tăng trưởng GDP giảm dần. “Sự suy giảm tăng trưởng xảy ra khi động lực nền kinh tế chuyển hướng từ đầu tư sang tiêu dùng và cơ cấu dân số già đi”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục