Mỹ đang tìm cách “thuộc địa hóa” nền kinh tế Trung Quốc

23/09/2019 06:48 GMT+7
Mới đây, một nhà hoạch định chính sách kinh tế kỳ cựu của Trung Quốc đã tiết lộ với tờ South China Morning Post một số yêu sách của Mỹ trên bàn đàm phán mà phía Bắc Kinh đã kịch liệt phủ quyết. Ông này nhận định, bằng những yêu sách đó, Mỹ đang tìm cách “thuộc địa hóa” nền kinh tế Trung Quốc.
Báo Trung: Mỹ đang tìm cách “thuộc địa hóa” nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Li Deshui, Cựu giám đốc Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc khẳng định Mỹ đang tìm cách "thuộc địa hóa" nền kinh tế Trung Quốc

Li Deshui, Cựu giám đốc Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc tiết lộ rằng phía Mỹ đã đưa ra yêu sách buộc Bắc Kinh sửa đổi thể chế luật pháp trong nước, đồng thời thành lập một Ủy ban song phương thường trực chuyên giám sát những chính sách kinh tế Trung Quốc, theo nguồn tin từ tờ South China Morning Post. 

Ông Li còn cáo buộc Washington đưa ra một cơ chế thực thi cho phép Nhà Trắng áp đặt các biện pháp trừng phạt với Bắc Kinh một khi chính phủ Mỹ không hài lòng với các chính sách kinh tế Trung Quốc. Theo cơ chế thực thi này, Bắc Kinh không có quyền trả đũa các trừng phạt từ Mỹ. Cũng theo ông Li, phía Mỹ đang cố gắng hạn chế sự phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao của Trung Quốc, thúc giục chính quyền Tập Cận Bình mở cửa thị trường vô điều kiện. 

Đây có thể xem là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Bắc Kinh tiết lộ những yêu sách của Mỹ trên bàn đàm phán thương mại. Hồi tháng 5, đàm phán đã đổ bể sau khi Bắc Kinh từ chối thỏa thuận dự thảo của Mỹ. Ông Li cho rằng những yêu sách mà Mỹ đưa ra trong thỏa thuận thương mại là hoàn toàn không công bằng, đi ngược lại sự phát triển của Trung Quốc và mang tính "thuộc địa hóa" nền kinh tế Trung Quốc.

Phái đoàn Thứ trưởng Trung Quốc hôm 19/9 đã có mặt tại Washington tiến hành các buổi tham vấn để chuẩn bị nền tảng cho sự tái khởi động vòng đàm phán Mỹ Trung diễn ra vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, đến hôm 20/9, phái đoàn đã đột ngột kết thúc lịch trình sớm, hủy bỏ kế hoạch thăm quan nông trại Mỹ và trở về Bắc Kinh. Dù cho tờ Tân Hoa Xã sau đó khẳng định buổi tham vấn đã diễn ra tốt đẹp "trên tinh thần xây dựng", thì triển vọng thỏa thuận thương mại vẫn ngày càng mờ mịt. Có vẻ như hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa có hướng giải quyết những xung đột thương mại cốt lõi.

Từ cương vị của Li Deshui, một nhà nghiên cứu cấp cao - nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc, nước này không đời nào đồng ý với những yêu sách của Washington buộc chính quyền Tập Cận Bình từ bỏ chủ quyền kinh tế, can thiệp vào thể chế luật pháp quốc gia. 

"Một khi thỏa thuận không công bằng này được thông qua, nó sẽ phá hủy hoàn toàn con đường phát triển của Trung Quốc, biến Trung Quốc thành "nước chư hầu" của Mỹ" - ông Li viết trong bài luận đánh giá những thành tựu và thất bại kinh tế của Trung Quốc trong 7 thập kỷ thành lập ĐCS Trung Hoa. "Càng gần đến kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020, Donald Trump càng ra sức "bắt nạt" Trung Quốc. Thông qua một thỏa thuận giấy tờ vô lý, Mỹ đang cố gắng giành lấy những gì họ không thể đạt được qua cạnh tranh thương mại. Tất nhiên, Chính phủ và người dân Trung Quốc không bao giờ đồng ý".

Ông Li Deshui cảnh báo rằng cuộc chiến tranh thương mại do ông Trump khơi mào thực chất là một phần trong chiến lược lớn của Washington nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, qua đó giữ vững thế bá chủ của Mỹ. Đó cũng là vì sao thương chiến đang dần biến tướng thành chiến tranh công nghệ và xung đột chính trị toàn diện. Ông Li Deshui cũng ví thương chiến Mỹ Trung với chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô vài thập kỷ trước để chỉ ra "mưu đồ chính trị" của Chính quyền Donald Trump.

Báo Trung: Mỹ đang tìm cách “thuộc địa hóa” nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 2.

Thương chiến Mỹ Trung thực chất là nước cờ của Mỹ nhằm "vùi dập" kinh tế Trung Quốc?

Cũng trong tuần qua, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Michael Pillsbury khẳng định Mỹ sẵn sàng tăng cường áp lực lên Bắc Kinh nếu không sớm đạt đến thỏa thuận thương mại. Ông này cũng đổ lỗi hoàn toàn cho Trung Quốc trong việc đàm phán Mỹ Trung sụp đổ hồi tháng 5. Ông Pillsbury cho rằng Bắc Kinh đã từ bỏ, quay ngược lại phủ nhận thỏa thuận thương mại dài 150 trang mà hai bên đã đạt thành sau hơn một năm xung đột. 

Còn ông Jin Canrong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin Trung Quốc, thì bào chữa rằng Bắc Kinh chỉ đồng ý 80% yêu sách của Mỹ, 20% còn lại là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc và chính quyền Tập Cận Bình không cho phép điều đó. Ông Jin cũng chỉ ra khả năng đàm phán thương mại sụp đổ thêm lần nữa vào tháng 10 khi mà không ai trong hai bên chịu nhượng bộ đối phương.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục