IMF dự báo kinh tế toàn cầu phục hồi năm 2020, riêng kinh tế Trung Quốc ngược dòng giảm tốc
IMF mới đây cảnh báo trong Báo cáo triển vọng Kinh tế Thế giới, rằng nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2020, thấp hơn dự báo 6,1% trong năm 2019. Hồi 2018, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt mức 6,6%, theo báo cáo của Bắc Kinh.
“Trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng giảm tốc” - trích lời ông Tao Zhang, phó Giám đốc điều hành IMF trong cuộc họp thường niên do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Washington hồi cuối tuần trước.
“Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến những căng thẳng thương mại, bất ổn chính trị trên khắp thế giới. Áp lực này đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - một trong những trung tâm căng thẳng” - ông Tao Zhang nói thêm.
Tuy nhiên, vị quan chức IMF cho rằng tốc độ tăng trưởng như hiện nay là hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế đang tái cấu trúc theo xu hướng bền vững của Trung Quốc. Bắc Kinh đang chủ trương phát triển các ngành kinh tế, sản xuất nhiên liệu sạch và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước như động lực chính của tăng trưởng. “Sự chuyển đổi như vậy có thể kìm chế bớt tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng sẽ mở ra một tương lai tươi sáng, nền tảng vững chắc hơn cho kinh tế Trung Quốc.
Hôm 18/10, Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý III/2019 chỉ đạt 6%, chậm nhất trong hơn 27 năm kể từ quý I/1992 đến nay, theo số liệu từ Reuters. Tuy nhiên, ông Tao Zhang không quá bi quan về sự giảm tốc này. “Bạn đừng hy vọng bất kỳ nền kinh tế ở bất kỳ quy mô nào sẽ tăng trưởng liên tục ở mức 7%, 8% hoặc 10%. Tôi nghĩ rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng bền vững hơn. 5,8% hoặc bất kỳ một con số nào thấp tương tự như thế là mức tăng trưởng hợp lý”.
Cũng theo nhận định của IMF, thực chất xu hướng giảm tốc trong nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại dự báo của IMF về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt ngưỡng 3,4% vào năm 2020 sau mức giảm xuống khoảng 3% trong năm 2019. Hồi năm 2018, tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,6% do chưa chịu ảnh hưởng nặng nề của thương chiến Mỹ Trung.
Dù vậy, IMF vẫn cảnh báo những triển vọng kinh tế vào thời điểm này vẫn mang nhiều bất ổn. “Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng dự đoán vào thời điểm này là vô cùng bấp bênh bởi có nhiều yếu tố chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách đối ngoại vốn đang nhiều rủi ro” - ông Zhang cho hay.
Một trong những rủi ro lớn nhất có thể kể tới là chiến tranh thương mại Mỹ Trung có nguy cơ leo thang trở lại, sau khi Trung Quốc gần đây yêu cầu đàm phán lại, muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan trước khi đặt bút ký vào thỏa thuận cuối cùng. Thực chất, Washington chỉ có ý định đình chỉ mức thuế bổ sung với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự định có hiệu lực hôi 15/10 vừa qua, chứ không thay đổi kế hoạch thuế quan vào 1/9 và 15/12 tới đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc nên đạt được thỏa thuận cuối cùng với Mỹ trước bầu cử năm 2020, nếu không, Bắc Kinh sẽ phải ký vào một thỏa thuận tồi tệ. Nhưng theo nhiều chuyên gia phân tích, nhiều khả năng Chính quyền Tập Cận Bình sẽ cố gắng duy trì đàm phán đến sau bầu cử để xem có thể đối diện với một Tổng thống “tay mơ” nào khác hay không.
Bên cạnh thương chiến Mỹ Trung, mâu thuẫn giữa Mỹ - EU, Mỹ - Iran hay biểu tình ở Hồng Kông cũng là những rủi ro có thể đẩy kinh tế toàn cầu đến gần hơn bờ vực suy thoái.
Hồi tháng 8/2019, khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục đảo ngược khiến thị trường hoang mang về nguy cơ suy thoái, IMF đã từng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc trầm trọng với mức thu hẹp từ 0,5-0,8% nếu thương chiến Mỹ Trung kéo dài. Mới đây nhất, IMF cũng nhận định kinh tế toàn cầu có thể mất 700 tỷ USD trong năm 2019 do ảnh hưởng của bất ổn kinh tế chính trị, mức giảm tốc bằng với quy mô nền kinh tế Thụy Sĩ.