Chuyên gia hiến kế "cứu nguy" cho nền kinh tế trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2

07/08/2020 06:32 GMT+7
Tưởng chừng, bức tranh kinh tế sẽ được cải thiện trong quý III này khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang dần hồi phục. Thế nhưng, ca nhiễm mới trong cộng đồng xuất hiện khiến nhiều người lo ngại về những tác động của dịch đến tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2020 sẽ là gam màu xám.

Tạm dùng vốn đầu tư công để cứu nguy cho nền kinh tế

Trao đổi với PV Etime về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào 3 lĩnh vực chính là xuất khẩu, FDI và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, hiện tất cả những lĩnh vực này đều bị tác động của dịch Covi-19 dẫn đến triển vọng kinh tế của chúng ta trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.

Trên thế giới, những nước có quan hệ kinh tế với Việt Nam vẫn đang bị khủng hoảng, chưa có khả năng phục hồi, trong khi đó chúng ta phụ thuộc rất nhiều về xuất khẩu, giao thương với những quốc gia này, ở thời điểm nền kinh tế thế giới còn bị tác động thì kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Bên cạnh đó, đối với thị trường trong nước, kích cầu nội địa vẫn chưa tăng lên, dư địa  khó khăn từ thời điểm dịch cúm bùng phát đợt 1 còn kéo dài, người dân chưa hồi phục nguồn lực thì đợt dịch lần 2 lại xuất hiện, kéo theo những lo sợ về thu nhập giảm sút, giãn cách xã hội, mất việc làm, giảm thu nhập...

Chuyên gia hiến kế "cứu nguy" cho nền kinh tế trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 - Ảnh 1.

Dịch bùng phát trở lại khiến cho nền kinh tế Việt Nam bị tác động rất nặng nề

Lúc này, đầu tư công vốn được nhà nước kỳ vọng là động lực lớn để giúp giúp phục hồi kinh tế đang giải ngân rất chậm, cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt hơn 20% số vốn nhà nước dự kiến. Bản thân đầu tư công cũng có khó khăn mang tính chất truyền thống từ trước đến nay như giải tỏa mặt bằng, chính sách, thủ tục giấy tờ… không thể giải quyết được ngay.

"Tất cả những yếu tố có thể giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều đang chững lại, do đó không có căn cứ gì để kỳ vọng nửa cuối năm này sẽ tăng trưởng được cao hay phục hồi", bà Lan cho hay.

Theo bà Lan, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp để vừa chống dịch, vừa hồi phục kinh tế. Trong đó có giải pháp quan trọng là thúc đẩy tiếp vồn đầu tư công. Tuy nhiên, giải ngân vốn chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là cải thiện chất lượng và hiệu quả của đầu tư công.

Bởi thực tế cho thấy, có những dự án kế hoạch 2,3 năm nhưng kéo dài đến 5,6 năm thậm chí 10 năm vẫn chưa xong. Càng kéo dài thì số vốn càng đội lên, chất lượng càng kém đi, rất lãng phí. Do vậy chỉ nên thúc đẩy những dự án đã sẵn sàng về mọi mặt, còn không nên cân đối lại, không để nguồn tiền vốn đang thiếu lại đầu tư vào những dự án chưa mang lại hiệu quả.

Trước vấn đề nguồn lực của ngân sách không còn nhiều, bà Lan đưa ra giải pháp Chính phủ nên chăng  tạm dùng một phần ngân sách dành cho đầu tư công để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh vượt qua được giai đoạn này bằng các gói chính sách hỗ trợ. Tránh sự suy thoái quá sâu cho nền kinh tế trong nước cũng như tình trạng doanh ngiệp trong nước bán cho người nước ngoài.

Những khách sạn, resort đang được rao bán cho người nước ngoài sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Với khó khăn ngắn hạn như thế này, doanh nghiệp biến tài sản của người Việt Nam thành tài sản của người nước ngoài, đến lúc kinh tế phục hồi được nó sẽ trở thành thiếu hụt rất nặng nề của chính chúng ta, khi trên chính đất nước mình lại phải thuê mặt bằng với giá rất cao.

"Nếu được thì lúc này, nhà nước nên ra tay, dùng một phần ngân sách dành cho đầu tư công để đỡ cho doanh nghiệp thuộc các ngành Việt Nam còn có tương lai có thể phát triển được cho thị trường trong nước, cho xuất khẩu, đầu tư mới vào công nghệ để nâng cấp ngành hàng của mình lên; tham gia vào các chuỗi giá trị mới để tăng cường nội lực cho kinh tế nước nhà", bà Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ có thể đứng ra kêu gọi cả về phía nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân ở các dự án đầu tư khủng dùng quá nhiều nguồn lực lúc này nên hoãn lại nếu chưa chứng minh tính thật sự cấp bách và có thể mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế xã hội tức thời, dùng nguồn lực nhằm đối phó cấp bách với dịch cúm Covid-19 và phục hồi kinh tế trước mắt.

Chuyên gia hiến kế "cứu nguy" cho nền kinh tế trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 - Ảnh 4.

Đầu tư công được nhà nước kỳ vọng là động lực lớn để giúp giúp phục hồi kinh tế.

Biện pháp kích thích kinh tế tốt nhất chính là dập được dịch

Tương tự, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, từ những chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt 2 của Chính phủ cho thấy, tất cả đang cố gắng tập trung khống chế dịch ở Đà Nẵng, không để dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, tránh việc phải thực hiện giãn cách xã hội.

Do vậy, trong quá trình này cả người dân và doanh nghiệp không nên quá cực đoan, về tình hình sắp tới, thay vào đó cần chủ động phòng, chống dịch, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho Chính phủ trong cuộc chiến này, bởi đến thời điểm hiện tại, ít nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được diễn ra bình thường.

"Trường hợp xấu nhất, dịch lan rộng, Chính phủ bắt buộc phải áp dụng giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, ngưng đọng thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Cho nên có thể nói, biện pháp kích thích kinh tế tốt nhất trong thời điểm hiện tại chính là dập được dịch", ông Thành nhận định.

Cũng theo TS Võ Trí Thành, với kinh nghiệm từ trận chiến chống dịch trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp, người dân đã có sự chuẩn bị tốt hơn về các biện pháp chống dịch cũng như biện pháp duy trì sản xuất kinh doanh trọng điều kiện bình thường mới. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một kịch bản tốt hơn với xác suất khá cao đó là dịch bệnh sẽ được khống chế trong các khu vực địa lý hiện tại và sẽ bị dập tắt trong một vài tuần tới.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV nhận định, ngoài việc tận dụng mọi nguồn lực trong nước để tập trung cho mục tiêu kép là dập dịch và phục hồi kinh tế, Chính phủ cần thận trọng xem xét thời điểm, lộ trình và phương thức mở cửa phù hợp ra bên ngoài; cùng với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch, khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, các nhà tài trợ song phương nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc như trong gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để doanh nghiệp có thể trả lương cho nhân viên vượt qua giai đoạn khó khăn này, xem xét sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất ...

Quang Dân
Cùng chuyên mục