Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Năm 2021 còn nhiều yếu tố bất định, khó lường đón chờ doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần nhìn nhận năm 2021 tiếp tục khó khăn
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì trong năm mới 2021 để tiếp tục vượt khó, phát triển, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận năm 2021 là một năm tiếp tục khó khăn khi phải đối diện với diễn biến khó lường từ đại dịch Covid-19; tình hình kinh tế - chính trị thế giới bất ổn; thiên tai, bão lũ liên tục xảy ra trong nước..
"Đừng nghĩ chúng ta khắc phục được Covid -19, được thế giới khen là một nước tăng trưởng tốt trong năm 2020 mà chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch. Doanh nghiệp phải ý thức được rằng trạng thái "bình thường mới" phức tạp, có nhiều nhân tố bất định, khó lường hơn rất nhiều, và quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu vẫn là "chống dịch như chống giặc". Có chống được dịch, giữ được môi trường kinh doanh an toàn thì mới nghĩ đến tồn tại, phát triển được", bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là thời điểm chúng ta hòa vào dòng chảy của thị trường quốc tế khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại. Thành quả ban đầu của những hiệp định đã tham gia như EVFTA khá tốt, so với CPTPP rõ ràng doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, có ý thức về tận dụng cơ hội để phát triển.
"Tôi thấy trong năm 2020, các doanh nghiệp thức tỉnh nhiều vấn đề về phát triển. Trong tình thế kinh tế khó khăn như hiện tại, doanh nghiệp biết chuyển mình khi có lối thoát. Họ thấy rõ tồn tại của mình không tách rời khỏi những nhân tố khách quan trong môi trường chung của cộng đồng, từ đó đã tập trung quan sát Chính phủ ra chính sách, thái độ của xã hội với doanh nghiệp.. tự điều chỉnh trách nhiệm, tận dụng thời cơ vượt khó. Đó là điều rất quý, và tôi mong muốn trong thời gian tới doanh nghiệp tiếp tục ý thức như vậy", bà Lan cho hay.
Dự liệu được tình hình doanh nghiệp mới có quyết định đúng
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để đạt được kết quả tích cực trong năm 2021, ưu tiên số 1 của doanh nghiệp là tăng cường sự hiểu biết để nắm bắt kịp thời các vấn đề của thị trường. Mình có dự liệu được diễn biến của thị trường trong năm thế nào thì mới hoạch định được đường đi cho mình, hạn chế được những quyết định đầu tư sai.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần liên kết với nhau. Rõ ràng các chủ thể trong thời gian qua đã ý thức được việc một mình không thể thắng được, nên lựa chọn đi cùng với những người khác, kể cả các doanh nghiệp cùng nghành, vốn dĩ trước đây nhìn nhau với phương diện là đối thủ cạnh tranh, nhưng thời điểm khó khăn do Covid-19 lại cùng nhau kết nối, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp A, bổ trợ cho sự yếu kém của bên B, dắt tay nhau cùng đi lên.
"Kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam càng cần hơn bao giờ hết để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trong thời hội nhập", bà Lan nhấn mạnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia ngay vào công nghệ trong các khâu kinh doanh. Chuyển đổi số là một phần, đấy là cái chung mà mọi doanh nghiệp đều cần quan tâm tới, nhưng mà chuyển đổi trong các lĩnh vực cụ thể của từng ngành hàng, thì phụ thuộc cụ thể vào đặc tính của từng doanh nghiệp.
Ví dụ, trong nông nghiệp phải đạt được chất lượng thì mới tính đến chuyện làm ăn bền vững. Suy nghĩ của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh, phải ý thức và coi trọng người tiêu dùng. Không để thị trường nông sản trong nước mang tiếng là thực phẩm bẩn, có hại đến sức khoẻ. Do vậy, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng của mình, nhằm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của người tiêu dùng trong nước, từ đó tạo tiếng vang sang các nước lân cận, trong khu vực cũng như toàn thế giới.
Cuối cùng, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, tạm gác qua những yếu tố khách quan khác, chính ban lãnh đạo công ty hơn ai hết phải là người hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó tái cấu trúc nội bộ, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cụ thể. Giải đáp được những vấn đề trên thì doanh nghiệp sẽ có thể làm ăn một cách lâu dài và phát triển được không những trong năm 2021 mà còn các năm tiếp theo.