Chuyên gia lo thiếu cạnh tranh nếu chỉ định thầu cao tốc Bắc Nam

07/04/2020 06:00 GMT+7
Một số chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại việc chỉ định thầu 8 dự án cao tốc Bắc Nam có thể dẫn đến thiếu cạnh tranh và không minh bạch.

Một số chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại việc chỉ định thầu 8 dự án cao tốc Bắc Nam có thể dẫn đến thiếu cạnh tranh và không minh bạch.

Tháng 3, Chính phủ cho biết sẽ đề xuất Quốc hội chuyển hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc Nam từ vốn xã hội hóa sang vốn ngân sách. Trong báo cáo mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Các doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự; trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng thực hiện.

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng Chính phủ nên chọn một số dự án đầu tư bằng vốn ngân sách chứ không phải toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc Nam.

"Đơn cử các dự án cần thiết về an ninh quốc gia, môi trường thì dùng vốn ngân sách. Còn dự án cao tốc nào chỉ dài 20-30 km có thể huy động vốn doanh nghiệp (PPP). Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư vẫn mong muốn triển khai theo phương thức PPP như dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dầu Giây - Phan Thiết, Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt", ông Trần Chủng nói.

Về phương án chỉ định thầu, ông Chủng nói chỉ nên áp dụng với một số gói thầu cấp bách vì các mục tiêu an ninh, quốc phòng và có thể giao cho các nhà thầu của Bộ Quốc phòng thực hiện. "Tôi nghiêng về phương án đấu thầu, sẽ tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp, song nhà nước cần kiểm soát được tình trạng ép giá, ép tiến độ", ông nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ, ông ủng hộ phương án đấu thầu chọn nhà thầu trong nước nếu các dự án cao tốc sử dụng vốn ngân sách. Bởi việc đấu thầu minh bạch hơn chỉ định thầu và các dự án ngân sách cần đấu thầu theo quy định Luật đầu tư công.

"Nếu giao thầu thì nhiều người lo ngại có lợi ích nhóm. Tôi nghĩ chưa chắc Quốc hội đồng tình với đề xuất này", ông Ngô Trí Long nói.

Chuyên gia lo thiếu cạnh tranh nếu chỉ định thầu cao tốc Bắc Nam  - Ảnh 1.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ kết nối với các dự án cao tốc Bắc Nam đang chuẩn bị đầu tư. Ảnh: Võ Thạnh.

Để công tác đấu thầu nhanh, ông Ngô Trí Long cho rằng cần đẩy nhanh phê duyệt các thủ tục và đưa ra tiêu chí phù hợp để rút ngắn việc lựa chọn nhà thầu. Nếu áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực thi công, năng lực tài chính, kinh nghiệm, không thể ưu tiên đơn vị này, doanh nghiệp kia.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, đánh giá, thủ tục chỉ định thầu nhanh nhất là mất 3 tháng, giảm được 2/3 thời gian so với đấu thầu. Tuy nhiên, tính cạnh tranh, minh bạch không cao so với việc đấu thầu và tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xét duyệt, hậu kiểm sau này. Do đó, cơ quan nhà nước cần đưa ra các tiêu chí xét tuyển nhà thầu và chấm điểm năng lực nhà thầu, sau đó áp dụng chỉ định thầu với nhà thầu được điểm cao nhất, việc này đã từng được áp dụng trong lựa chọn nhà thầu cho nhiều dự án cải tạo quốc lộ 1.

Cũng theo ông Nhận, việc đề xuất chỉ định thầu cho doanh nghiệp quốc phòng xây dựng cao tốc Bắc Nam là không bình đẳng với các doanh nghiệp giao thông khác, vì các dự án này không phải công trình an ninh quốc phòng. "Các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hay các nhà thầu dân sự đều có sự bình đẳng trước pháp luật, nhà thầu nào có năng lực tốt hơn thì làm khối lượng nhiều hơn", ông Nhận nói.

"Mỗi phương thức chỉ định thầu hay đấu thầu đều có ưu nhược điểm riêng, quan trọng nhất là các thủ tục cần tiến hành nhanh chóng thì thời gian chuẩn bị đầu tư được rút ngắn. Các thủ tục chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam thời gian qua là quá dài", ông Nhận nói.

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4, nói hiện Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành sơ tuyển chọn nhà đầu tư nhiều dự án cao tốc. Trong đó có những doanh nghiệp giao thông năng lực tốt, từng tham gia nhiều dự án BOT, cao tốc. Kết quả này có thể xem xét để doanh nghiệp tham gia các dự án cao tốc Bắc Nam sau khi chuyển đổi sang sử dụng vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, ông Thọ cũng nêu, cao tốc Bắc Nam không phải là công trình thuộc bí mật quốc gia, cần tổ chức đấu thầu công khai để đảm bảo sự cạnh tranh giữa các nhà thầu.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, chủ trương chuyển đổi các dự án cao tốc Bắc Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công đang chờ cấp thẩm quyền quyết định. Đề xuất ưu tiên chỉ định thầu đối với doanh nghiệp xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng là quan điểm riêng của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Việc dự án sau khi được chuyển đổi áp dụng hình thức đấu thầu hay chỉ định lựa chọn nhà thầu đều phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

8 dự án được Quốc hội quyết định đầu tư theo hình thức PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã sơ tuyển các nhà đầu tư quốc tế cho 8 dự án cao tốc này. Tuy nhiên, sau đó lại hủy kết quả sơ tuyển do "số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao". Cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải lại sơ tuyển các nhà đầu tư trong nước cho các dự án, đang thẩm định kết quả sơ tuyến.

Anh Duy/VNE
Cùng chuyên mục