Chuyên gia nói gì về nghi vấn cầu Nguyễn Hoàng nghìn tỷ đồng tại Huế “đạo nhái” mẫu cầu nước ngoài?
Cầu mang dấu ấn cung đình
Vào ngày 26/3 vừa qua, UBND TP.Huế tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu Nguyễn Hoàng thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương. Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có tổng mức đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chính trong khu vực, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến quốc lộ 1A và các tuyến nội thị qua trung tâm TP.Huế…
Trong quá trình hoàn thiện, đưa vào sử dụng cầu Nguyễn Hoàng, trên mạng xã hội đã có ý kiến nghi vấn công trình có dấu hiệu sao chép, “đạo nhái” mẫu thiết kế công trình cầu nước ngoài.
Kỹ sư trưởng người Phần Lan- Antti Karjalainen là nhà thiết kế kiêm giám đốc dự án thiết kế cầu Nguyễn Hoàng. Ông cũng là đồng tác giả của nhiều cây cầu có kiến trúc đẹp ở Việt Nam như cầu Bính, cầu Rào 2 (Hải Phòng), cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) và cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2, TP.HCM), cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp)…

Theo ông Antti Karjalainen, qua tìm hiểu về lịch sử xứ Huế, ông được biết tương truyền rằng khi vào trấn thủ Thuận Hóa, Chúa Nguyễn Hoàng- vị chúa Nguyễn đầu tiên ông đã đi dọc theo sông Hương để tìm kiếm một địa điểm xây dựng thủ phủ của mình. Chúa Nguyễn Hoàng đã phát hiện một ngọn đồi có hình dáng như một con rồng ngoái đầu nhìn lại, một vị trí linh thiêng, nơi sau này là chùa Thiên Mụ được xây dựng.
Truyền thuyết địa phương kể về một con hạc, loài chim thần thoại biểu tượng cho sự trường tồn và trí tuệ, thường xuất hiện trong các đền chùa Việt Nam, kết nối thế giới tự nhiên và tâm linh. Những câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho thiết kế “Hạc chầu Thiên Mụ,” với các vòm của cây cầu tượng trưng cho đôi cánh hạc, thân mình uyển chuyển bay qua sông, hướng về chùa Thiên Mụ.

Màu vàng ấm áp, hoàng gia – màu của các vị vua – được chọn để trang trí cây cầu Nguyễn Hoàng, tượng trưng cho quyền lực và tôn vinh lịch sử hoàng gia của Huế. Ngay cả các trụ hình chữ “V” cũng tượng trưng cho đàn sếu, đôi cánh dang rộng, tụ hội hài hòa tại địa điểm linh thiêng này.
Cuối cùng một cây cầu vòm treo “chim bay” một nhịp hài hòa với lịch sử phong phú của Huế. Đó là một sự kết hợp hoàn hảo, giống như một điệu nhảy vượt thời gian giữa cũ và mới. Thiết kế này kể một câu chuyện, kết nối quá khứ với tương lai thông qua những đường cong uyển chuyển và những vòm vàng hoàng gia rực rỡ, phản chiếu di sản cung đình của thành phố.
Ông Antti Karjalainen cho hay, lấy cảm hứng từ quá khứ vàng son của vương triều Nguyễn, sự thanh lịch của loài hồng hạc và sức mạnh biểu tượng của màu vàng hoàng gia, ý tưởng kiến trúc của cây cầu Nguyễn Hoàng phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên, truyền thống và hiện đại. Kết cấu của cây cầu phản ánh sự trang nghiêm và quyền uy của các vị vua Việt Nam, đặc biệt là mối liên kết chặt chẽ của họ với vẻ đẹp thiên nhiên và tinh thần của sông Hương. Màu vàng hoàng gia được sử dụng xuyên suốt trong thiết kế cây cầu tượng trưng cho sự tiếp nối di sản văn hoá.
Một nguồn cảm hứng quan trọng khác cho cầu Nguyễn Hoàng chính là loài hồng hạc thanh lịch, loài chim từ lâu đã được ngưỡng mộ trong văn hóa và dân gian Việt Nam. Hồng hạc, thường được xem là biểu tượng của sự thanh thoát, cân bằng và vẻ đẹp, hoàn toàn phù hợp với ý tưởng thiết kế của cây cầu. Những đường cong của cây cầu được thiết kế mềm mại, mô phỏng hình dáng cổ thon dài của loài hồng hạc, tạo nên một kết cấu hữu cơ hài hòa với cảnh quan tự nhiên của sông Hương.

Những vòm cầu tinh tế gợi lên dáng vẻ duyên dáng của loài chim, vừa đẹp mắt vừa mạnh mẽ. Ban đêm, cây cầu sẽ rực sáng với ánh đèn vàng ấm áp, tái hiện hình ảnh những chú hồng hạc uyển chuyển phản chiếu trên mặt nước, tạo nên một bầu không khí mơ màng, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của loài chim này và sự yên bình của sông Hương.
Ông Antti Karjalainen chia sẻ, thiết kế ban đầu của cầu Nguyễn Hoàng được lựa chọn thông qua một cuộc thi thiết kế kiến trúc cạnh tranh. Thiết kế được chọn là kiểu cầu vòm treo, với hai vòm riêng biệt có nhịp dài 180 mét. Thiết kế này cho phép tạo ra một hình dáng vòm thấp, thanh mảnh, hài hòa với vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan sông xung quanh. Thiết kế chiến thắng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, bao gồm cả việc tiếp thu ý kiến từ chính quyền TP.Huế và tinh chỉnh kỹ thuật.
Về mặt kỹ thuật, cây cầu được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu giao thông hiện đại trong khi vẫn giữ được tính toàn vẹn về thẩm mỹ. Nhiều giải pháp kỹ thuật sáng tạo đã được tích hợp vào cầu Nguyễn Hoàng trên sông Hương để đảm bảo tính toàn vẹn kết cấu và tuổi thọ lâu dài.
Chuyên
gia khẳng định cầu Nguyễn Hoàng có tính độc lập về mặt
thiết kế
Theo TS. Đặng Thanh Phú- Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học -kỹ thuật TP.Huế, trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, thiết kế không đơn thuần là sáng tạo hình thức mà là sự tổng hợp giữa các yếu tố kỹ thuật, kết cấu, thẩm mỹ và điều kiện địa phương. Việc nhiều cây cầu trên thế giới hoặc trong cùng một quốc gia có hình dáng tương đồng không thể được xem là hành vi “sao chép” hay “đánh cắp ý tưởng”.

Kỹ thuật xây dựng cầu trên thế giới hiện nay phổ biến các loại hình kết cấu như: cầu dầm, cầu vòm, cầu dây văng, cầu treo… Đây là những hình thức kết cấu cầu đã được chứng minh hiệu quả qua thời gian và trở thành giải pháp tiêu chuẩn. Những kết cấu này không phải do ai “phát minh độc quyền”, mà là thành quả của hàng trăm năm nghiên cứu, ứng dụng và tối ưu hóa trong ngành kỹ thuật xây dựng.
Vì vậy, khi lựa chọn loại hình cầu (như cầu vòm Nguyễn Hoàng) phải tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật tiêu chuẩn và sự sáng tạo được ghi nhận ở chi tiết thích ứng với các điều kiện cụ thể: chiều dài nhịp, tải trọng, điều kiện địa chất và yếu tố kinh tế và đặc thù văn hoá của mỗi địa phương.
Mỗi cây cầu, tuy có thể sử dụng chung một hình thức kết cấu, vẫn có tính độc lập về mặt thiết kế. Các chi tiết như hình dáng trụ tháp, cấu tạo mặt cầu, tổ hợp vật liệu, cách thức liên kết với cảnh quan đô thị – chính là nơi thể hiện tư duy thiết kế và khả năng sáng tạo của kỹ sư, kiến trúc sư. Vì vậy, kết luận một cây cầu là “đạo nhái”, “sao chép” chỉ dựa trên sự tương đồng về hình thức kết cấu là một đánh giá thiếu cơ sở chuyên môn và không phản ánh đúng thực tiễn thiết kế công trình.