Mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh nên tổ chức thế nào?

Thành An Chủ nhật, ngày 08/05/2022 14:11 PM (GMT+7)
Một số chuyên gia, nhà chính trị cho rằng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nên để Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên là một cơ quan độc lập với tỉnh.
Bình luận 0

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có 63/63 tỉnh uỷ, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo (gồm: Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hoà).

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh nên tổ chức thế nào? - Ảnh 1.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5. Ảnh: Chinhphu.vn

Tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt về vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết. "Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ cấp tỉnh xuống đến cơ sở", ông nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, hiện nay số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử không nhiều và khá hạn hữu, chủ yếu là các vụ "nhận hối lộ", hoặc "thiếu tinh thần trách nhiệm". Do đó, có ý kiến cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới chỉ làm mạnh ở cấp Trung ương, còn cấp cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa mạnh mẽ, nhiều vụ việc tham nhũng chưa được đưa ra "ánh sáng" dẫn đến để lọt nhiều đối tượng, vụ việc. "Cho nên, việc thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giải quyết được những vấn đề trên" - theo TS Dĩnh.

"Vụ việc Việt Á, vụ Nguyễn Bắc Son cũng như một số vụ việc nổi cộm gần đây đều do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, nếu đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng ngay ở địa phương qua Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ hạn chế được những vụ vi phạm tương tự xảy ra. Bên cạnh đó, ngoài phòng chống tham nhũng ở khu vực công thì việc phòng chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước, các doanh nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, tạo sự đồng bộ", TS Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh nên tổ chức thế nào? - Ảnh 2.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: NVCC

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh thêm, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh một lần nữa thể hiện sự quyết liệt, làm đến nơi đến chốn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương hoạt động rất tốt rồi, nếu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ra đời và hoạt động hiệu quả sẽ tạo sự liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, theo đúng tinh thần như Tổng Bí thư đã nói: 'Trên-dưới đồng lòng, dọc-ngang thông suốt'", TS Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Viết Chức - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cũng cho rằng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập sẽ giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực của địa phương.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải thống nhất từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới địa phương, cho nên nếu thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, đồng thời sát với yêu cầu của từng địa phương. Vì vậy, đây là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn, được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, đồng tình.

Mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh nên tổ chức thế nào? - Ảnh 3.

TS Nguyễn Viết Chức - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Anh Thư

Mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nên tổ chức thế nào?

Góp ý thêm với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư là Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát... Do vậy, sau khi được thành lập, mô hình ở địa phương cũng nên như Trung ương, trưởng ban và các thành viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở địa phương.

Còn TS Nguyễn Tiến Dĩnh thì cho rằng, mô hình Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh phù hợp với mô hình người đứng đầu cấp ủy sẽ đứng đầu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Dĩnh nhấn mạnh, vai trò của người đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là rất quan trọng và là yếu tố sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo. 

"Nếu Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy thì sẽ có nhiều thuận lợi. Thực chất công cuộc chống tham nhũng cho thấy không ít cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đã vướng vào tham nhũng, tiêu cực như các vụ việc ở Bình Dương, Khánh Hoà, Đồng Nai…; nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không thành lập và nếu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập hoạt động hiệu quả, tôi tin những vụ việc tương tự sẽ hạn chế đi", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng: Để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động, về mô hình, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh phải trực thuộc trực tiếp Ban Chỉ đạo cấp Trung ương chứ không thể nằm trong cấp ủy địa phương.

"Nếu Ban Chỉ đạo trực thuộc tỉnh thì rất khó xử lý, thành viên Ban Chỉ đạo biên chế thuộc tỉnh thì rất khó thẳng thắn để đấu tranh với Bí thư, Chủ tịch tỉnh đó", PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nhận định.

Mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh nên tổ chức thế nào? - Ảnh 4.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển phát biểu trong một cuộc hội thảo. Ảnh: Thành An

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển phân tích: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương là cơ quan của Đảng, do Đảng thành lập chứ không phải cơ quan của Nhà nước và chính quyền.

Về mặt thể chế, việc Đảng quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất tốt. Và muốn công tác này hiệu quả hơn, Đảng có chủ trương thành lập một cơ quan ở địa phương cũng rất tốt, việc này sẽ giảm tải cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương để Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung vào các vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, còn những vụ việc chưa có quy mô lớn thì địa phương phải chịu trách nhiệm và được phân quyền trực tiếp.

"Theo tôi, về mặt thể chế là tốt. Tuy nhiên, phải đảm bảo được tính độc lập của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Vì nếu đặt ở địa phương, nhưng lại không hoạt động độc lập mà vẫn chịu sự phụ thuộc, ảnh hưởng của cấp ủy - những người lãnh đạo của tỉnh thì rõ ràng nó không hiệu quả và sẽ dẫn đến cục bộ địa phương, có tình trạng che giấu cho nhau.

Bởi vì lâu nay câu chuyện "địa phương chủ nghĩa" bao bọc cho nhau đã từng diễn ra. Một số vụ việc ở địa phương khi xử lý cán bộ chưa đủ sức răn đe, còn nương nhẹ, phê bình rút kinh nghiệm nội bộ gây bức xúc trong dư luận. Công tác tự kiểm tra còn yếu, phê bình và tự phê bình còn nể nang, né tránh...

Một số vụ việc Trung ương phải chỉ đạo, đôn đốc thì mới làm, thậm chí phải thanh tra, kiểm tra lại và trực tiếp xử lý với mức kỷ luật cao hơn so với mức đề xuất của cơ sở", PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nói và nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề này thì phải theo mô hình ngành dọc. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải là cơ quan độc lập, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương và phải chịu trách nhiệm dưới sự giám sát và kiểm tra của Trung ương, công tác nhân sự cũng phải do Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định thì mới tốt được".

Đề cập đến mối quan hệ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong mối quan hệ với các cơ quan Tư pháp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng, cơ quan chức năng phải rạch ròi: Đảng chỉ thực hiện việc chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và áp dụng kỷ luật Đảng đối với những đối tượng vi phạm, phạm tội về tham nhũng, tiêu cực ở cấp Đảng. Còn về muốn giải quyết theo pháp luật thì vẫn phải theo các trình tự thủ tục tố tụng ở các cơ quan Tư pháp.

"Chúng ta phải lưu ý là phải làm rõ mối quan hệ giữa Ban Chỉ đạo này với các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra để Ban Chỉ đạo không làm thay các công việc của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cũng không chỉ đạo cụ thể xét xử như thế nào về tham nhũng… Câu chuyện này rất quan trọng, vì nếu không cẩn thận, Ban Chỉ đạo sẽ can thiệp vào cả việc tố tụng và nó mất đi tính khách quan, đảm bảo đúng pháp luật của các vụ việc được xử lý ở Ban Chỉ đạo rồi chuyển sang cơ quan Tư pháp giải quyết", PGS.TS Hoàng Ngọc Giao lưu ý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem