Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chủ trương lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ cấp bách

PVCT Thứ bảy, ngày 07/05/2022 13:56 PM (GMT+7)
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, trong mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đều xác định tham nhũng là quốc nạn, ngoài Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trương lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Bình luận 0

Việc Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt Ban Chỉ đạo) đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc họi) cho rằng, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết. Trước đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành lập để quán xuyến công việc chỉ đạo phòng, chống, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong toàn quốc, nhưng như vậy sẽ quá tải.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị cấp bách - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp ngày 27/4. Ảnh TTXVN

"Chúng ta đã xác định vấn đề tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra ở tất cả các địa phương, tất cả các bộ, ngành, các lĩnh vực, vậy làm sao Ban Chỉ đạo Trung ương có thể lo chỉ đạo phòng, chống, xử lý được hết, chỉ lo chỉ đạo xử lý những vụ án, vụ việc lớn.

Phân tích như vậy để thấy, đối với những vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở bên dưới thì cơ quan nào chỉ đạo xử lý. Nếu không có Ban Chỉ đạo ở địa phương sẽ dẫn tới sự thiếu thống nhất trong toàn quốc, có thể địa phương này chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống, xử lý tham nhũng, tiêu cực nhưng địa phương khác lại không làm hoặc làm không quyết liệt.

Nếu không kịp thời bổ sung về công tác tổ chức việc chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thiếu sự sâu sát, thống nhất từ trên xuống dưới", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị cấp bách - Ảnh 2.

Bộ Chính trị trình Đề án về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Ảnh VGP

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (năm 2007) đã bổ sung quy định Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch UBND đứng đầu. Như vậy, trong quá khứ Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ra đời và hoạt động nhiều năm nhưng vì các lý do Ban Chỉ đạo này không còn được tổ chức hoạt động.

Nhìn lại mô hình trước đây, ông Nhưỡng cho rằng, quy định Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu Ban Chỉ đạo này không phù hợp, bởi vấn đề tham nhũng cơ bản xảy ra ở lĩnh vực hành pháp, tư pháp, chủ yếu là ở hành pháp. Chủ tịch UBND tỉnh là người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương, là đối tượng thường xuyên được giám sát, kiểm tra, thanh tra lại đứng đầu Ban Chỉ đạo là không hợp lý.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị cấp bách - Ảnh 3.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện. Ảnh VGP

Vẫn theo ông Nhưỡng, đối với mô hình mới người đứng đầu cần phải là Bí thư Tỉnh ủy nếu không cũng phải là Phó Bí thư Thường trực-Chủ tịch HĐND tỉnh.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể thấy đây là yếu tố rất thuận lợi để triển khai Đề án sau khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

"Có thể nói sau khi được Trung ương quyết định, việc triển khai thành lập các Ban Chỉ đạo là nhiệm vụ chính trị rất cấp bách, nặng nề. Ngoài tính đồng thuận cao còn vấn đề yếu tố chính trị, sự giám sát của người dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều đó vừa giúp đẩy nhanh quá trình khởi động, đồng thời đảm bảo có tính công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và hoạt động.

Cần phải lưu ý điều Tổng Bí thư khi họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhấn mạnh: Những người không xứng đáng không được ngồi vào Ban này, thực hiện chức trách này.

Chúng ta phải lựa chọn được những cán bộ liêm chính, những bộ phận không dính dáng đến tham nhũng, những bộ phận được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vào Ban Chỉ đạo, đó nhân sự bên các ngành Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, Nội chính, Cơ quan pháp chế của HĐND tỉnh, thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem