Có cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp cán bộ không tư lợi nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, Nghị quyết 68 nêu những giải pháp cụ thể về tư duy, thể chế, được coi là cầu nối quan trọng trong mục tiêu lấy kinh tế tư nhân làm động lực cốt lõi xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường.
Có cơ chế miễn trừ trách nhiệm với cán bộ, công chức
Cụ thể, về tư duy, cần nhất quán nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân; củng cố niềm tin, khát vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ của kinh tế tư nhân Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Nhà nước kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường. Xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành, liêm chính phục vụ, kiến tạo phát triển.

Công tác truyền thông phải đẩy mạnh. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực, lan tỏa mô hình tốt nhằm khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội. Nghiêm cấm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân.
Về chất lượng thể chế, chính sách, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị nhấn mạnh sự cần thiết của việc xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin-cho”, tư duy “không quản được thì cấm”. Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng, và phải được quy định trong luật.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ rào cản tiếp cận thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, dễ tuân thủ, chi phí thấp. Trong năm 2025, cắt giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, điều kinh doanh đều là 30%, và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Các cấp, ngành của từng cơ quan, đơn
vị được yêu cầu tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính bằng việc
phân công, phân cấp, phân nhiệm vụ rõ ràng, xác định vai trò người đứng đầu
trong giải quyết thủ tục hành chính.
Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết. Bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Song, đồng thời có cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan.
Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh
Đối với giải pháp tăng cường tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh tế tư nhân, cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, trên cơ sở yêu cầu, các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.
Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp nêu trên. Nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất.
Nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 68 cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí, nếu xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này.
Cùng đó, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
Có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đánh giá doanh nghiệp theo 4 tiêu chí cốt lõi
Nghị quyết 68 đề cập vấn đề tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Trong đó, áp dụng tỉ lệ nội địa hoá phù hợp theo lộ trình trong các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên. Đặt vấn đề các dự án FDI lớn phải có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa ngay từ giai đoạn phê duyệt dự án. Hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đã làm việc tại doanh nghiệp FDI nhằm tận dụng kinh nghiệm, kiến thức, mô hình quản trị, mối quan hệ với các doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể. Thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đẩy mạnh số hoá, minh bạch hoá, đơn giản hoá, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.
Cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh trung thực. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế dựa trên các tiêu chí cốt lõi về Mức độ tuân thủ pháp luật; Giải quyết công ăn việc làm; Đóng góp vào ngân sách nhà nước và Tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Cần có chính sách cụ thể, khả thi trong xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phát triển Đảng trong doanh nghiệp, doanh nhân và có cơ chế, quy định phù hợp đối với tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để những người ưu tú trong doanh nghiệp đứng vào hàng ngũ của Đảng.