Có "của ăn của để" nhờ loài cây mọc dại
Tên gọi khác của cù nèo là cây kèo nèo, loài cây dại này mọc phổ biến khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cù nèo trông khá giống cây lục bình, có sức sống vô cùng mãnh liệt.
Cây cù nèo sinh sản, lây lan bằng hạt và phát triển quần thể bằng sinh sản vô tính. Hoa cù nèo có màu vàng, cánh hoa hình oval, quả nhỏ và được đài hoa bao bọc.
Cây cù nèo được người Nam Bộ sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày. Nó có thể làm rau sống, bóp gỏi, luộc, xào, nấu canh chua, nấu với lẩu, muối dưa. Không chỉ là được dùng làm thực phẩm, cây cù nèo còn được dùng làm thuốc chữa viêm tiết niệu, sỏi thận tiết niệu...
Cù nèo là loại rau sạch do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên hiện nay được thị trường hết sức ưa chuộng. Vì thế cù nèo luôn có giá bán ổn định và tiêu thụ dễ dàng.
Loại cây này ngày càng khan hiếm. Biết được tác dụng của loại cây này, nhiều hộ dân ở Sóc Trăng, Kiên Giang đã lựa chọn trồng để phát triển kinh tế gia đình, tạo nguồn thu nhập ổn định quanh năm.
Anh Út, một hộ dân sống ở xã Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng) đã gắn bó với cây cù nèo gần 20 năm nay cho biết, gia anh nhờ trồng cù nèo mà trở nên khá giả.
Hiện diện tích trồng cù nèo của gia đình anh lên tới hơn 1.000 m2. Trước kia khu vực gia đình anh là kênh sườn Nhà nước đào, sau này làm lộ giao thông cắt ngang nên không còn sử dụng kênh này nữa. Sau đó, anh đã tận dụng để trồng cù nèo.
"Lúc đầu, để có giống cây cù nèo, tôi xin vài nhánh của người quen về trồng, thấy cây phát triển nhanh và cho thu hoạch quanh năm, có nguồn thu nhập ổn định nên tôi quyết định nhân rộng diện tích cù nèo", nh nói.
Anh Út cho biết, cù nèo là cây rất dễ trồng, tỉa nhánh cấy hoặc lấy hột ương xuống sình rồi cây con mọc lên. Tuy nhiên, tỉa nhánh ra từ bụi thì trồng mau cho thu hoạch hơn so với trồng bằng hột.
Thời gian trồng tương đối ngắn, từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 20 ngày. Cù nèo phù hợp đất bùn lầy nên phải trồng sâu dưới bùn, thân và rễ càng bám sâu dưới bùn thì cù nèo càng non và trắng.
Do vậy từ lúc anh Út trồng cho đến nay chưa phải trồng lại, bụi nào lớn thì tỉa ra dặm như dặm lúa, nếu gốc nào nổi lên mặt nước thì nhấn rễ và thân ngập sâu xuống bùn để cù nèo phát triển. Do anh Út trồng cù nèo ở đìa nên sình nhiều, có mức nước phù hợp khoảng 4 tấc đến 5 tấc nên cù nèo phát triển rất tốt và non.
"Tuy là loài cây sống dưới nước nhưng không cần nước nhiều, nếu nước sâu đọt cù nèo ngập nên hay bị thối. Khi mua cù nèo ở chợ thấy phần thân cù nèo trắng nhiều là cù nèo non còn cù nèo bự và xanh thì cù nèo đó già vì trồng ở nơi ít bùn", anh Út cho hay.
Cù nèo không chỉ dễ trồng mà còn dễ thu hoạch. Theo kinh nghiệm của người đàn ông này, khi đọt cù nèo đâm lên nhưng lá chưa xòe ra thì bắt đầu thu hoạch. Do vậy, phải thu hoạch mỗi ngày, không thì cù nèo sẽ bị già.
Chi phí đầu tư không nhiều, chủ yếu ra công nhổ bán nhưng một ngày nếu hai người cũng chỉ bỏ khoảng 1 tiếng đồng hồ là thu hoạch xong, rồi mang bán cho mối ở chợ thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa.
Trung bình một ngày anh Út thu hoạch khoảng hơn 20kg cù nèo, giá bán dao động từ 15.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg, chú thu về từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày, nhằm ngày lễ, tết hay mùa đám tiệc thì không đủ cù nèo để bán.
Tương tự như vậy, ông Phạm Văn Lợi Em ngụ xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang) chia sẻ, gia đình anh trước kia có 5 công ruộng trồng lúa kém hiệu quả, anh đã tận dụng đất xấu để gieo cấy cù nèo.
"Đây là loại thuốc chữa bệnh quý, vì thế tôi quyết định trồng cù nèo để bán và thu được một khoản lợi nhuận nhỏ", ông Em chia sẻ.
Sau vài năm trồng cù nèo, thấy thu nhập ngày càng khá lúc này ông Em bèn nhân rộng ra cả 4 công đất còn lại. Hiện tại, 05 công đất ruộng trồng cù nèo của gia đình ông Lợi Em đem về thu nhập từ 700.000 đến trên 800.000 đồng mỗi ngày, đời sống kinh tế gia đình ổn định và thoát nghèo.
Món cù nèo xào mỡ ở miệt Cà Mau ăn vừa lạ miệng vừa ngon thiếu điều muốn ăn thay cơm. Cù nèo phải cắt khúc, rửa sạch, tỏi đập dập phi vàng rồi cho cù nèo vào xào chín tới, rắc ít hành lá xắt nhuyễn, ăn nóng.
Nếu sang hơn thì xào cù nèo với tép bạc, ngọt khỏi nói. Cá thác lác làm chả, gọt khóm (dứa), cắt cà chua, bẻ ngò ôm, húng quế, ớt đỏ, cù nèo… nấu canh chua. Cái vị chua chua ngọt ngọt của nước canh ngấm trong từng cọng kèo nèo khiến người ăn mê mẩn loài rau bình dị này.