Tưởng cỏ dại mọc hoang, bán thu lời trăm triệu
“Bỏ túi” trăm triệu đồng mỗi vụ
Tận dụng những thửa ruộng trũng thấp, cấy lúa kém năng suất hoặc bỏ hoang, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định mua giống cây niễng về trồng.
Loại cây này gặp đất trũng thì phát triển mạnh, tốt um như cỏ dại mọc hoang. Thoạt nhìn, không ai nghĩ đó lại là một loại thực phẩm được nhiều nơi ưa chuộng, đặc biệt là món củ niễng xào thịt bò cực ngon.
Củ niễng từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện Nam Trực. Nguồn thu từ việc trồng loại cây này đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống sung túc, trong đó có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Theo một hộ trồng củ niễng ở địa phương, cây niễng là loại cây thân thảo, thường sống ở vùng ngập nước hay nơi nhiều bùn lầy, bãi bồi ven sông...
Thân cây đứng cao tầm 1-1,5m, có phần gốc phình to hơn. Củ niễng hình chùy dài, phồng to, xôm xốp, khi nấu chín có vị ngọt, ngon.
Kỹ thuật trồng củ niễng khá đơn giản, chỉ bỏ công làm cỏ và bón thêm chút phân chuồng hoặc phân NPK. Khi trồng không sử dụng thuốc diệt cỏ nếu không cây niễng sẽ bị chết.
Sau đó, người trồng chỉ việc “ngồi chơi, xơi nước” đợi đến ngày thu hoạch vì cây tự phát triển, không phải chăm sóc nhiều, không lo bị sâu bệnh tấn công.
Do chi phí đầu tư thấp, không mất công chăm bón, giá thành ổn định… cây niễng được người dân địa phương đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, gấp nhiều lần cây lúa.
Bình quân, củ niễng được bán với giá 1.500 – 2.000 đồng/củ. Mỗi sào trồng củ niễng cho thu nhập tới chục triệu đồng mỗi vụ. Những hộ trồng diện tích lớn dư sức “bỏ túi” trăm triệu đồng mỗi năm.
Món ăn bổ dưỡng, mỗi năm chỉ có một mùa
Củ niễng là món ăn đặc sản, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng vì là loại thực phẩm sạch cao cấp, nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Trong Đông y, củ niễng có vị ngọt, mùi thơm ngon, tính lạnh, không độc, có chất béo, có tác dụng làm mát, giải nhiệt, hạ nhiệt.
Các món ăn từ củ niễng có thể giúp phòng bệnh về huyết áp, xơ vữa động mạch, hỗ trợ điều trị xơ cứng gan, nồng độ urê máu cao…Củ niễng còn có tác dụng hỗ trợ trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, táo bón...
Niễng thường được trồng từ tháng 2 âm lịch hàng năm đến tầm tháng 9, tháng 10 âm lịch thì bắt đầu cho thu hoạch.
Để giảm chi phí sản xuất, trong quá trình thu hoạch củ niễng, người dân có thể chọn những củ to, nhiều nhánh, lá xanh tươi để lại làm giống.
Theo người dân ở Nghĩa An, trước đây, cũ niễng chưa được trồng nhiều như hiện nay mà chỉ mọc dại ngoài tự nhiên.
Nhiều năm trở lại đây, do nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch tăng cao, củ niễng trở thành món ăn ưa thích được nhiều người lựa chọn.
Thấy củ niễng được giá, nhu cầu thị trường tăng cao, người dân địa phương bắt đầu tách mầm nhân giống trồng quanh bờ ao, kênh rạch để ăn và để bán.
Thấy cây có hiệu quả kinh tế cao, ít chi phí đầu tư, ít công chăm sóc nên người dân tăng dần diện tích.
Mỗi khi đến mùa vụ, nông dân tập trung thu hoạch để kịp bán cho thương lái chở đi cung cấp cho thị trường trong vùng và các tỉnh khác.
Củ niễng mỗi năm chỉ có một mùa và thời gian thu hoạch cũng rất ngắn, thường chỉ kéo dài chừng vài ba tuần là hết trà ngon.
Nếu thu hoạch muộn, củ sẽ bị già nhanh, vỏ xanh, xốp, ăn vào mất vị ngọt, ngon. Do đó, ai cũng tranh thủ mua củ niễng lúc chính vụ, khi củ đang ở độ tươi, ngon nhất.
Là người sành ăn và đặc biệt thích các món ăn đặc sản sạch, chị Trần Thị Liên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết củ niễng vừa nhiều dinh dưỡng vừa đảm bảo an toàn.
Theo chị, cây niễng phát triển tự nhiên, hầu như không có sâu bệnh nên nông dân cũng không phải sử dụng thuốc hóa học. Đó là lý do chị luôn lựa chọn loại củ này để chế biến món ăn cho gia đình.
“Tuy nhiên, củ niễng chỉ có khoảng vài tuần vào độ tháng 9 âm lịch nên phải chờ đợi chứ không phải lúc nào cũng có để ăn. ” – chị Liên cho hay.