Cô giáo bỏ dạy làm ra thứ trà mát rượi, khách uống mê tít

12/08/2020 09:20 GMT+7
Ban đầu, mục đích sản xuất ra trà diếp cá của chị Vy Thị Lụa, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) là chỉ để tặng kèm khách hàng nhưng lại được đón nhận và phản hồi lại một cách tích cực. Lượng khách mua sản phẩm trà diếp cá ngày một tăng cao, nhu cầu của thị trường ngày càng lớn.

Nhắc đến chị Vy Thị Lụa người dân nơi đây đều nhắc đến chị như một nữ doanh nhân trẻ đầy tài năng xuất phát từ một cô giáo cấp 3 miền núi tỉnh Lạng sơn. Lựa chọn con đường theo đuổi ước mơ từ nhỏ là trở thành giáo viên. 

Chị Lụa những tưởng con đường sau này của mình sẽ gắn liền cùng phấn, bảng, những trang giáo án và sự nghiệp trồng người. Sống và làm việc ở một vùng đất còn nghèo, cuộc sống 2 vợ chồng càng thêm gánh nặng khi những đứa con ra đời, đồng lương viên chức không đủ chi tiêu. 

Mỗi khi nghĩ đến tiếng con khóc vì không thể cho con đầy đủ trái tim chị như thắt lại, và rồi khát khao kiếm thêm thu nhập có được sự nghiệp của bản thân đã bùng cháy lên trong chị. Rồi chị quyết định dừng lại để khởi đầu một hướng đi mới hơn... 

Cô giáo bỏ dạy làm ra thứ trà mát rượi, khách uống mê tít - Ảnh 1.

Chị Lụa Vinh dự được tôn vinh là 1 trong nhiều Doanh nhân vì sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước năm 2019.

Chị Lụa bắt tay nghiên cứu vào làm và hiện có cơ sở sản xuất kinh doanh tinh bột tam thất - nghệ - mật ong rất thành công, thị trường rộng mở. Trong quá trình khách hàng sử dụng sản phẩm, với cơ địa một số người bị nóng do sử dụng mật ong nên chị Lụa đã nghĩ ngay đến việ sáng tạo, sản xuất ra một thứ trà gì đó có tính mát, thanh nhiệt, giải độc cơ thể để tặng khách hàng.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương chị Lụa nghĩ ngay đến cây Diếp cá với tác dụng thanh nhiệt.  Ngay sau đó cơ sở của chị bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất sản phẩm trà diếp cá. 

Với cây diếp cá mọc tự nhiên rất nhiều ở địa phương cũng như các xã lân cận, chị đã quyết định sản xuất ra sản phẩm trà diếp cá sấy khô, với nguyên liệu chính là cây diếp cá và lá dứa nếp, cây cỏ ngọt. 

Sau khi đưa ra thị trường sản phầm trà diếp cá của chị Lụa đã được nhiều người đón nhận vì làm từ nguyên liệu tự nhiên, đồng thời, tạo ra cơ hội để bà con ở địa phương có đầu ra ổn định từ sản phẩm nông nghiệp.

Cô giáo bỏ dạy làm ra thứ trà mát rượi, khách uống mê tít - Ảnh 2.

Công nhân tại xưởng sản xuất của chị Lụa đóng trà diếp cá để gửi khách hàng.

Chị Lụa cho biết: Ban đầu, mục đích sản xuất ra trà diếp cá chỉ để tặng kèm khách hàng nhưng lại được đón nhận và phản hồi lại một cách tích cực, lượng khách có nhu cầu mua sản phẩm trà diếp cá ngày một tăng cao. 

Theo chị Lụa, đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình chị Lụa đã phải tăng nguồn mua nguyên liệu diếp cá từ khắp mọi nơi cũng như tăng sản lượng sản xuất hàng ngày để phục vụ nhu cầu khách hàng. 

Ngoài diếp cá tự nhiên thì hiện nay chị Lụa còn phải đặt thu mua với một số hộ sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP.Lạng Sơn. Mỗi ngày trung bình cơ sở sản xuất thu mua từ 1 đến 2 tạ diếp cá tươi và xuất bán ra thị trường 500 đến 800 gói trà diếp cá khô với trọng lượng 50 - 100g.

Đưa chúng tôi thăm xưởng chế biến chị Lụa chia sẻ: "Thuận lợi của sản phẩm trà diếp cá là được mọi người đón nhận rất tốt. Sau một thời gian kinh doanh tôi nhận thấy ngoài diếp cá thì các sản phẩm nông nghiệp đều được mọi người ưa chuộng, vì bản chất của nó là tự nhiên. 

Thời gian tới tôi sẽ đẩy mạnh ra thêm các sản phẩm bột bí đỏ, gừng nghệ để tận dụng nguồn nguyên liệu của bà con trên địa bàn xã để cho ra các sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương tôi".

Cô giáo bỏ dạy làm ra thứ trà mát rượi, khách uống mê tít - Ảnh 3.

Sản phẩm trà diếp cá của cơ sở Lụa Vy được nhiều khách hàng đón nhận vì công dụng thanh mát, giải nhiệt.

Theo tính toán của chị Lụa, sau khi chế biến thành phẩm, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp trên tăng từ 7 đến 8 lần. Hiện nay, sản phẩm sản xuất ra không đủ cung ứng ra thị trường. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, cơ sở đã ký hợp đồng tiêu thụ với một số hộ trên địa bàn xã, thời gian tới, cơ sở tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm bí đỏ, mướp đắng, rau diếp cá với hộ dân ở các xã khác trên địa bàn.

Chị Lụa cho biết: Mặc dù mới đi vào sản xuất các sản phẩm mới này từ tháng 5/2020 nhưng cơ sở đã thu mua trên 30 tấn bí đỏ, trên 10 tấn rau diếp cá, 6 tấn mướp đắng và tiêu thụ gần 10.000 gói trà diếp cá, trên 5.000 gói trà mướp đắng, trên 1 tấn bột bí thành phẩm; tạo việc làm ổn định cho  5 công nhân và lao động thời vụ với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, tôi tiếp tục xây dựng nhà xưởng, thành lập công ty để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không chỉ là hộ cá thể kinh doanh sản xuất giỏi ở địa phương, cơ sở sản xuất của chị Lụa còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động theo mùa vụ. Cùng với giá thành thu mua từ 10 đến 12 nghìn đồng/cân diếp cá tươi, cơ sở sản xuất trà diếp cá của gia đình chị Lụa cũng đang trực tiếp tạo việc làm cho nhiều bà con nông dân ở địa phương cũng như nhiều nơi khác.

Sản phẩm trà diếp cá với những công dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, hy vọng sẽ có tiềm năng để phát triển kinh tế cho hộ gia đình. Đồng thời, nguồn nguyên liệu chính là cây diếp cá là loại dễ trồng, ít sâu bệnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Đây sẽ là cơ hội để mở ra vùng chuyên canh nguồn nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Tuấn Minh
Cùng chuyên mục