Có mặt ở hơn 80 quốc gia nhưng cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô

29/12/2020 17:32 GMT+7
Việt Nam làm một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm xuất thô nên giá trị mang lại chưa cao.

Sáng 29/12, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện đề án sản phẩm quốc gia Cà phê chất lượng cao”.

Theo thông tin tại hội nghị, Việt Nam hiện có trên 600.000 ha cà phê, với sản lượng trung bình khoảng 1,5 triệu tấn/ năm. Trong đó diện tích cà phê Robusta chiếm tỉ lệ 93%. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam ước xuất khẩu 1,7 triệu tấn (phần lớn xuất khẩu thô) với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,7 tỷ đô la Mỹ.

Có mặt ở hơn 80 quốc gia nhưng cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô - Ảnh 1.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê.

Để nâng tầm chất lượng cà phê, tăng thu nhập cho người nông dân…, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển sản phẩm quốc gia Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Theo đó, mục tiêu của đề án là phát triển ngành cà phê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao; năng suất cà phê Robusta đạt 2,7 tấn/ha, cà phê Arabica đạt 2 tấn/ha; nâng thu nhập của người trồng cà phê tăng 5% vào năm 2020 và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014. Đề án ưu tiên cho các vùng trồng cà phê chủ lực là Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng), Bắc Trung bộ (Quảng Trị), Trung du miền núi phía Bắc (Sơn La, Điện Biên).

Hơn 2 năm triển khai, đề án đã chọn tạo, sản xuất được 4 giống cà phê chất lượng cao; xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ chế biến; xây dựng bộ tiêu chí thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất tưới nước tiết kiệm, giảm tổn thất sau thu hoạch, hoàn thiện công nghệ sơ chế và chế biến; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại cà phê Việt Nam chất lượng cao.

Có mặt ở hơn 80 quốc gia nhưng cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô - Ảnh 2.

Cà phê được phơi trong nhà kính

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cà phê Việt Nam chưa thể cạnh tranh trên thị trường do vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vì thế cần phải có sự liên kết bằng mô hình hợp tác xã.

Một vấn đề các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm là, diện tích cà phê đã già cỗi rất lớn, cần tái canh song người dân khó khăn về nguồn vốn; chất lượng cà phê Arabica được đánh giá rất cao, mang lại nhiều lợi nhuận nhưng diện tích trồng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thể cà phê Việt Nam. Do đó, các đại biểu kiến nghị, cần quan tâm phát triển dòng cà phê trên.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của các ngành và các địa phương trong thực hiện đề án. Ông cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm đến giống cà phê chất lượng, quy trình thực hiện tái canh cà phê, trồng xen, hỗ trợ chế biến sau thu hoạch, liên kết sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại...

Theo Huỳnh Thủy
Cùng chuyên mục