Cổ phiếu các tân binh lên sàn chứng khoán năm 2021 đang thế nào?

14/02/2021 06:43 GMT+7
Đáng chú ý, có cổ phiếu tăng 150% chỉ sau 10 phiên đầu tiên giao dịch trên sàn.
Cổ phiếu các tân binh lên sàn chứng khoán năm 2021 đang thế nào? - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2020 đến nay thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Chỉ số VnIndex đã có lúc tăng mạnh, cũng đã có phiên giảm điểm sâu nhất trong lịch sử.

Trong bối cảnh đó, vẫn rất nhiều doanh nghiệp thi nhau đưa cổ phiếu lên sàn. Từ đầu năm 2021 đến nay cả 3 sàn Upcom, HNX và HoSE đã đón 13 tân binh với gần 1,6 tỷ cổ phiếu mới chào sàn. Trong số đó, có 4 cái tên quen thuộc – là các doanh nghiệp chuyển sàn. Số còn lại là những tân binh thực thụ.

Sàn HoSE đón thêm 6 tân binh

Sàn HoSE đón thêm đến 6 doanh nghiệp mới lên giao dịch – trong đó có 2 doanh nghiệp chuyển sang từ HNX và 1 doanh nghiệp chuyển sang từ Upcom.

Tân binh "xông đất" sàn chứng khoán năm nay

Ngày 6/1/2021 là phiên giao dịch đầu tiên các sàn chứng khoán đón tân binh – là 41,5 triệu cổ phiếu TNH của Bện viện Quốc tế Thái Nguyên. Giá chào sàn 25.000 đồng/cổ phiếu. TNH lên niêm yết trên HoSE.

TNH để lại ấn tượng tốt ngay phiên đầu tiên với gần 600.000 cổ phiếu khớp lệnh, giá tăng 3,195 lên 35.600 đồng/cổ phiếu – và đây cũng là "đỉnh" của cổ phiếu này đến thời điểm hiện tại. Nguyên nhân bởi sau phiên tăng mạnh đầu tiên, TNH đã giảm 6 phiên liên tiếp sau đó, trong đó có 2 phiên giảm sàn, cổ phiếu TNH có lúc xuống thấp nhất 25.300 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1/2021). Hiện tại TNH đã tăng nhẹ trở lại lên mức 26.700 đồng/cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh, năm 2020 Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đạt 335 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% so với năm trước đó. LNST đạt 110 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2019 tương đương EPS đạt 2.643 đồng.

Thêm 1 doanh nghiệp ngành chứng khoán chuyển sàn

Tân binh thứ 2 của sàn HoSE trong năm nay là Chứng khoán VIX (VIX) – một cái tên không hề xa lạ. Tiền thân là Chứng khoán Vincom, được thành lập từ tháng 12/2007 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, đến năm 2009 công ty chính thức niêm yết trên HNX. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện Chứng khoán VIX có vốn điều lệ hơn 1.277 tỷ đồng tương ứng 127.718.975 cổ phiếu đưa lên niêm yết trên HoSE từ 8/1/2021 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.300 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VIX không có đột biến nhiều khi tăng mạnh nhất lên 28.700 đồng/cổ phiếu và xuống thấp nhất ở vùng giá 21.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên thanh khoản cổ phiếu này rất lớn, hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Hiện VIX giao dịch ở mức 26.150 đồng/cổ phiếu - tăng khoảng 29% so với giá chào sàn.

Kết quả kinh doanh năm 2020 rất thuận lợi khi lợi nhuận sau thuế đạt 328 tỷ đồng, tăng 182% so với số lãi 116 tỷ đồng đạt được năm 2019.

Cổ phiếu NHA tăng 24% so với giá chào sàn

Cũng thuộc diện chuyển sàn, hơn 24,1 triệu cổ phiếu NHA của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội đã hủy niêm yết trên HNX chuyển sang niêm, yết trên HoSE từ 21/1/2021 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.600 đồng/cổ phiếu.

Trong 3 phiên đầu tiên, NHA có 2 phiên tăng điểm và 1 phiên về tham chiều, đưa giá cổ phiếu lên xấp xỉ 24.000 đồng/cổ phiếu, rồi bất ngờ giảm mạnh về 20.200 đồng/cổ phiếu trước khi tăng trở lại. Hiện NHA đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp trước khi nghỉ tết, lên mức 25.600 đồng/cổ phiếu – tăng 24% so với giá chào sàn.

Bảo hiểm Quân đội chuyển sàn

Bảo hiểm Quân đội (MIG) đưa 130 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE từ 21/1/2021. Trước đó MIG đã hủy đăng ký giao dịch trên Upcom. Giá chào sàn 15.550 đồng/cổ phiếu. Nay phiên đầu lên sàn MIG đã tăng kịch trần lên 18.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên MIG không duy trì được đà tăng, ngay sau đó MIG giảm mạnh, xuyên thủng mốc 15.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 2/2/2021 trước khi tăng trở lại. Hiện MIG đang giao dịch quanh mức 15.850 đồng/cổ phiếu.

Doanh nghiệp ngành dệt may - Thương mại Vũ Đăng tăng 22%

Tân binh gây chú ý gần đây nhất là Thương mại Vũ Đăng (SVD) – một thành viên của ngành dệt may Việt Nam. Công ty đưa 12,9 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên hoSE từ 2/2/2021 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.300 đồng/cổ phiếu. Và đến nay mới chính thức có 6 phiên giao dịch trên sàn.

SVD tạo ấn tượng khi có 3 phiên tăng trần liên tiếp ngay khi lên sàn, đưa giá cổ phiếu lên mức 16.850 đồng/cổ phiếu trước khi ghi nhận 1 phiên giảm điểm và 1 phiên giảm sàn. Phiên giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ tết SVD đã về sắc xanh, lên mức 15.000 đồng/cổ phiếu – tăng 22% so với giá chào sàn.

Cổ phiếu ngành ngân hàng - OCB

Tuy vậy nhắc đến cổ phiếu lên sàn HoSE từ đầu năm đến nay phải nhớ đến cổ phiếu ngành ngân hàng – OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông. Gần 1,1 tỷ cổ phiếu OCB đã hủy đăng ký giao dịch trên Upcom để lên niêm yết trên HoSE từ 28/1/2021. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.900 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên OCB gây bất ngờ khi phiên đầu tiên đã giảm sàn về 18.350 đồng/cổ phiếu trước khi vụt tăng trần phiên ngay sau đó. OCB còn có thêm 3 phiên tăng điểm liên tiếp, đưa cổ phiếu lên mức đỉnh mới 21.400 đồng/cổ phiếu trước khi rơi vào chuỗi 3 phiên giảm điểm tiếp đó.

Tính chung, OCB có 9 phiên giao dịch trên HoSE từ khi lên sàn, trong đó có 1 phiên tăng trần, 4 phiên tăng điểm, 1 phiên giảm sàn và 3 phiên giảm điểm. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ tết ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu – giảm gần 13% so với giá chào sàn.

OCB đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận sau thuế đạt 3.535 tỷ đồng, tăng 37% so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Trong đó riêng quý 4/2020 đạt 1.526 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Sàn HNX đón thêm 2 tân binh – có cổ phiếu tăng 150% sau 10 phiên lên sàn

Sàn HNX đón thêm 2 tân binh là Sơn Đại Việt (DVG) với 4 triệu cổ phiếu, giá chào sàn 12.200 đồng/cổ phiếu và CTCP Tư vấn xây dựng 40 (L40) với 3,6 triệu cổ phiếu chào sàn ở mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu.

Cả 2 mã chứng khoán này đều để lại ấn tượng cho nhà đầu tư khi Sơn Đại Việt có chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp ngay khi chào sàn, đưa giá cổ phiếu lên mức 22.900 đồng/cổ phiếu – tương ứng tăng gần 88% sau 5 phiên lên sàn.

Tuy nhiên DVG tăng nhanh cũng giảm nhanh, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ tết ở mức 15.600 đồng/cổ phiếu – tăng 28% so với giá chào sàn. Thanh khoản cổ phiếu không quá nhỏ với hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Tân binh có cổ phiếu tăng mạnh nhất sau khi lên sàn - L40

L40 còn để lại nhiều dấu ấn hơn với 6 phiên tăng trần liên tiếp ngay khi chào sàn. Trong tổng số 10 phiên giao dịch từ khi lên sàn đến nay L40 đã có đến 7 phiên tăng trần, 1 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm, hiện giao dịch ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu, tăng 150% so với giá chào sàn.

Sàn Upcom đón 5 tân binh

Trong số 5 tân binh của sàn Upcom từ đầu năm đến nay, ấn tượng nhất vẫn là Tổng CTCP Bảo hiểm hàng không (AIC) với 80 triệu cổ phiếu chào sàn ngày 8/1/2021. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.400 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu AIC cũng khá tốt.

AIC đã gây bất ngờ với 4 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau khi chào sàn. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất đang tiến hành các thủ tục để tăng vốn từ 800 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Hiện công ty đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tăng mạnh và giảm sốc có lẽ là câu kết dành cho cổ phiếu CFM của CTCP Đầu tư CFM. Doanh nghiệp đưa 2 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ 25/1/2021 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay khi lên sàn CFM tăng trần phiên đầu tiên, trễ nhịp vài phiên trước khi tăng trần tiếp 3 phiên, đưa giá cổ phiếu lên hơn gấp đôi, đạt 23.500 đồng/cổ phiếu trước khi chứng kiến chuỗi sụt giảm. Hiện CFM có tổng cộng 11 phiên giao dịch trên Upcom trước kỳ nghỉ tết, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/2/2021 ở mức 13.100 đồng/cổ phiếu – tăng khoảng 13% so với giá chào sàn.

Nhóm cổ phiếu IDP của CTCP Sữa Quốc tế, cổ phiếu PLE của Tư vấn xây dựng Petrolimex và cổ phiếu DPD của CTCP Cao su Đồng Phú – Đắk Nông đều có nhiều biến động. Tuy nhiên thanh khoản các cổ phiếu này không cao, nhiều phiên còn không có cổ phiếu khớp lệnh. Nên mỗi phiên thay đổi giá đều do lượng ít cổ phiếu khớp lệnh.

Thay cho lời kết

Năm 2020 đã khép lại với nhiều biến động. Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi diễn biến của năm 2021. Việc đón thêm các tân binh cũng là một kênh mới thu hút các nhà đầu tư.


Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Cùng chuyên mục