Cổ phiếu của gỗ Trường Thành bị kiểm soát đặc biệt vì bất ngờ lỗ nặng

Nguyễn Minh Thứ ba, ngày 09/08/2016 06:00 AM (GMT+7)
Với kết quả lợi nhuận quý II.2016 bất ngờ bị lỗ lên đến 1.124 tỷ đồng và có nội dụng điều chỉnh hồi tố ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính, cổ phiếu TTF của đại gia gỗ Võ Trường Thành đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 9.8.
Bình luận 0

Ngày 8.8.2016, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) vừa ban hành quyết định về việc đưa cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành của đại gia gỗ Võ Trường Thành vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ 9.8.2016. Cổ phiếu TTF chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Nguyên nhân, do báo cáo tài chính quý II.2016 của công ty ghi nhận khoản lỗ lớn lên đến 1.124 tỷ đồng và có nội dung điều chỉnh hồi tố ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của công ty.

Cụ thể, quý II.2016, trong thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm của TTF đột ngột xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới 980 tỷ đồng. Con số này được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán E&Y 6 tháng đầu năm 2016 tại TTF. Điều này dẫn đến chi phí giá vốn quý II tăng vọt và TTF lỗ ròng 1.073 tỷ đồng.

imgCổ phiếu TTF của đại gia gỗ Võ Trường Thành bị kiểm soát đặc biệt vì bất ngờ bị lỗ nặng trong quý II.

Đồng thời, số liệu tài chính tại thời điểm cuối năm trước (31.12.2015) bị điều chỉnh hồi tố 1 số khoản mục, trong đó điều chỉnh lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn với mức giảm 218 tỷ đồng.

Thông tin bất ngờ lỗ hơn nghìn tỷ của Gỗ Trường Thành khiến chủ nợ của của TTF cũng đứng ngồi không yên. Theo báo cáo tài chính quý II, tại thời điểm 30.06.2016, dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng của TTF là 1.024 tỷ đồng.

Trong đó nhiều nhất là VietABank chi nhánh TP.HCM với dư nợ 554 tỷ bằng tiền Việt Nam và 12 tỷ bằng đồng USD. VietABank chi nhánh Buôn Mê Thuột cũng cho vay 103 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã cho TTF vay như DongABank là 124 tỷ đồng, SHB 15 tỷ đồng và 41 tỷ USD. Vietinbank 45 tỷ đồng, BIDV 3 tỷ đồng, KienLongBank 59,9 tỷ đồng, Agribank, chi nhánh Buôn Mê Thuột 50 tỷ đồng, Ngân hàng phát triển Đắc Lắc 12 tỷ đồng.

Ngoài ra, TTF còn khoản nợ dài hạn là 30 tỷ đồng. Đây là khoản vay từ KienLongBank, chi nhánh Bình Dương. Dư nợ ban đầu là 40 tỷ đồng với mục đích đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, sửa chữa nhà xưởng. Thời hạn vay 36 tháng và vay từ 10.12.2014. Tính đến thời điểm 30.6.2016 khoản vay có lãi suất là 10,89% và có số dư nợ vay là 36 tỷ đồng, trả nợ đến hạn là 6 tỷ đồng.

Ngoài ra còn khoản nợ dài hạn với Agribank, chi nhánh TP. Buôn Ma Thuột từ năm 2010 với hạn mức 10 tỷ đồng. Lãi suất đến ngày 30.6.2016 là 10,5%. Dư nợ cho vay đến ngày 30.6.2016 là 3 tỷ đồng và đã quá hạn thanh toán.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8.8, cổ phiếu TTF tiếp tục bị bán sàn với dư bán lên đến hàng chục triệu cổ phiếu. Kể từ ngày 19.7, TTF đã giảm sàn liên tục 15 phiên, qua đó mất 66% giá trị khi rơi từ 43.600 đồng xuống còn 15.000 đồng.

Chuỗi giảm sàn của TTF bắt đầu tư khi Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup, sở hữu 75%) thông cáo tạm ngừng việc chuyển đổi 1.200 tỷ trái phiếu thành cổ phiếu do phát hiện những “sai lệch nghiêm trọng” so với những số liệu mà công ty đã công bố. Những sai lệch này chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ, cũng là những nguyên nhân gây ra khoản lỗ đột biến trong quý II.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem