Cổ phiếu nào dẫn đầu đà "rơi" của VN-Index ngày 24/7?

24/07/2020 18:25 GMT+7
VN-Index đã "rơi" trong ngày 24/7. Tuy nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu đều "gây áp lực" như nhau tới VN-Index.

Hôm nay, thị trường chứng khoán lại được nhắc tới nhiều khi VN-Index giảm rất sâu. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index giảm 27,59 điểm, tương đương 3,22% xuống 829,16. Thị trường chứng khoán 24/7 ghi nhận phiên giảm khá mạnh trong vòng 1 tháng qua.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán MBS, thông tin ca nhiễm nCov ở Đà Nẵng làm cho đà giảm của VN-Index trở nên mạnh hơn. Bên cạnh đó áp lực giảm từ thị trường thế giới cũng gây áp lực đến thị trường phiên này.

Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên thị trường phiên này là: VHM (-3,55 %), VIC (-2,22%), BID (-4,14%), VCB (-1,82%), VNM (-2,71%),…đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: DAT (+6,93%), POM (+6,03%), PGD (+2,9%), DHG (+0,65%), NLG (+0,98%),…

Cổ phiếu nào dẫn đầu đà "rơi" của VN-Index ngày 24/7? - Ảnh 1.

VN-Index đã "rơi" trong ngày 24/7. Tuy nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu đều "gây áp lực" như nhau tới VN-Index.

Thanh khoản thị trường được đẩy lên mức cao nhất kể từ 12/06/2020, giá tṛi khớp lệnh đạt gần 6.837 tỷ đồng. 

"Thị trường giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền đứng ngoài trong thời gian vừa qua tham gia bắt đáy. Trong kịch bản tích cực, thanh khoản ở các phiên tới tiếp tục được giữ ở mức cao thì khả năng đà giảm sẽ dao động chậm dần và hình thành vùng cân bằng mới", MBS bình luận.

Theo MBS, về kỹ thuật, phiên giảm mạnh hôm nay như cú “đạp bồi” xác nhận thị trường rơi ra khỏi vùng tích lũy trong hơn 1 tuần vừa qua. Tuy vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền “thờ ơ” thì nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.

Điểm sáng duy nhất trong phiên hôm nay lại đến từ khối ngoại, trái với việc nhà đầu tư trong nước mạnh tay cắt lỗ thì khối ngoại lại có phiên mua ròng mạnh nhất hơn 1 tháng qua. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 32 mã tăng/368 mã giảm, ở rổ VN30 có 0 mã tăng, 30 mã giảm và 0 mã giữ tham chiếu. Bên cạnh đó nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 3,65% và 3,89%.

MBS cũng không quên bình luận về xu hướng chìm trong sắc đỏ của thị trường chứng khoán thế giới.

Thị trường khu vực Châu Á chịu sức ép giảm mạnh từ việc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang chưa từng có. Mỹ ngày 21/7 bất ngờ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Houston. Đáp trả lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết: “Nếu Mỹ tiếp tục đi con đường sai lầm, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả”. 

Dẫn đầu đà giảm trong khu vực là tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và chỉ số Shenzhen Component lần lượt giảm 3,86% và 5,31%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong với mức giảm 2,20%. Chỉ số ASX 200 của Australia với mức giảm 1,16%. Thị trường Hàn Quốc với chỉ số Kospi giảm 0,71%. Chỉ số NZX 50 của New Zealand với mức giảm 0,49%. Thị trường Nhật Bản hôm nay nghỉ giao dịch. 

Phố Wall đảo chiều vào thứ Năm, Nasdaq gặp phải ngày tồi tệ nhất trong tháng khi Big Tech vấp ngã và sự gia tăng các tuyên bố thất nghiệp làm gia tăng mối lo ngại về tốc độ phục hồi khi virus lây lan không ngừng.

Tóm lại, MBS đánh giá không chỉ thị trường trong nước mà các thị trường lớn trên thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo từ căng thẳng Mỹ – Trung, số ca nhiễm covid gia tăng, hay dòng tiền đang chảy từ cổ phiếu sang vàng (theo Bloomberg). 


Tiểu My
Cùng chuyên mục