Cổ phiếu TAR của Trung An sẽ giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 31/5
Theo quyết định, hơn 78,3 triệu cổ phiếu TAR sẽ giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 31/5. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 6.100 đồng/cp, tương ứng với định giá gần 478 tỷ đồng.
Xét từ đầu năm, giá cổ phiếu TAR đã giảm khoảng 31%, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên phiên đạt khoảng 320.000 cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu TAR của Trung An chào sàn HNX vào 20/2/2019 với giá tham chiếu 12.600 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh). Theo quyết định của HNX, hơn 78,3 triệu cổ phiếu TAR sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 21/5/2024. Lý do hủy niêm yết được HNX đưa ra là tổ chức kiểm toán từ chuối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 của Trung An, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, Trung An nói gì?
Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS), kiểm toán đã đưa ra các ý kiến ngoại trừ.
Theo cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến thứ nhất, Kiểm toán AASCS cho hay, Trung An đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong Kết luận thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13/9/2023 bao gồm: Chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty; Việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; Thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên BCTC năm 2022 được kiểm toán với giá trị 1.255,5 tỷ đồng.
Kiểm toán AASCS cho biết, họ không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng của các vấn đề này đến các BCTC hợp nhất năm 2023 của Trung An. Cho tới thời điểm phát hành BCTC kiểm toán hợp nhất này, các vấn đề nêu trên vẫn chưa được xử lý và tiếp tục ảnh hưởng đến BCTC hợp nhất của công ty.
Bên cạnh đó, Kiểm toán AASCS cho biết, Trung An (công ty mẹ) không tiến hành kiểm kê hàng tồn kho tại ngày 31/12/2023 và cũng không hỗ trợ việc kiểm kê hàng tồn kho tại thời điểm kiểm toán. Với những hồ sơ hiện có, Kiểm toán AASCS cho rằng họ không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán truy hồi số liệu hàng tồn kho tại ngày 31/12/2023 được trình bày trên BCTC hợp nhất với số tiền là 965,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang (công ty con do Trung An sở hữu hơn 90% tỷ lệ lợi ích) có tiến hành kiểm kê hàng tồn kho tại ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Kiểm toán AASCS chưa được bổ nhiệm thực hiện kiểm toán BCTC năm 2023 cho công ty và công ty cũng không thể hỗ trợ việc kiểm kê hàng tồn kho ở thời điểm kiểm toán.
Tương tự như ý kiến trên, Kiểm toán AASCS không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán truy hồi số liệu hàng tồn kho tại ngày 31/12/2023 được trình bày trên BCTC công ty con và hợp nhất với số tiền 112,7 tỷ đồng.
Do đó, Kiểm toán AASCS từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính của Trung An.
Giải trình về ý kiến trên, Trung An cho biết, doanh nghiệp này đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong Kết luận thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau kiểm toán, lãi sau thuế hợp nhất của Trung An tăng 18,3% so với báo cáo tự lập, tuy nhiên vẫn ở mức âm 15,6 tỷ đồng. Giải trình về chênh lệch này, Trung An cho biết, chủ yếu do phân loại lại chi phí và điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tại báo cáo tài chính quý I/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Trung An ở mức 715,4 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 19% còn 674,1 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm từ 2,4 tỷ đồng còn hơn 1,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 7% còn 31,8 tỷ đồng, trong đó, gần như toàn bộ là chi phí lãi vay (30,6 tỷ đồng). Chi phí bán hàng ở mức 4,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 5,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 75% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, Trung An Rice báo lãi trước thuế 3,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 2,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 65% và 67% so với cùng kỳ năm trước.