Cổ phiếu thoái vốn có tạo sóng?
Tuy nhiên, sự ì ạch trong quá trình cổ phần hóa khiến “sóng” cổ phiếu thoái vốn trên thị trường chứng khoán khá trầm lắng.
Không còn gây hiệu ứng
DNNN thoái vốn, bán cổ phần, luôn là tầm ngắm của giới đầu tư, vì hầu hết DNNN đều có vị thế đầu ngành, có quỹ đất lớn, thuộc các ngành nghề đặc thù hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Mặc dù thị trường không còn những thương vụ thoái vốn đình đám như Sabeco, Vinamilk…, nhưng năm 2019, một trong các yếu tố được đánh giá sẽ tạo sức hút, thúc đẩy thị trường chứng khoán sôi động vẫn là các DNNN cổ phần hóa.
Nhất là khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố danh sách hơn 100 DN dự kiến được thoái vốn nhà nước trong năm nay như BMI, LIC, FPT... Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, không ít các phiên thoái vốn nhà nước tại các DN có hoạt động kinh doanh tốt của SCIC không thành công và làn sóng “lùng” cổ phiếu thoái vốn trên thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn 2016-2018. Cùng với đó, số lượng DNNN được IPO (phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng) rất ít, không còn tạo ra hiệu ứng trên thị trường như trước đây.
Cụ thể, SCIC đấu giá cổ phần tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) không thành công trong tháng 7 vừa qua, dù đây là DN ngành chế biến thực phẩm hàng đầu, có những yếu tố khá thuận lợi như cổ tức đều đặn 20% - 30%/năm, chỉ số EPS (lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) đạt trên 3.000 đồng.
Lý giải việc này, trưởng bộ phận phân tích thị trường của một công ty chứng khoán cho biết, phiên thoái vốn 50% cổ phần (3,56 triệu cổ phiếu) nhà nước tại SGC đã đi ngược với sự kỳ vọng do hình thức bán số cổ phần này là đấu giá cả lô, với giá khởi điểm 111.700 đồng/cổ phiếu là khá cao so với giá trị nội tại DN, nên không hấp dẫn nhà đầu tư.
Hơn nữa, để có thể nắm quyền chi phối DN, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất gần 400 tỷ đồng, nên buổi đấu giá không thành công. Ngoài ra, kết quả thoái vốn của nhóm cổ phiếu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) trong quý 2-2019 cũng có 2 DN đấu giá không thành công là Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty CP Phân bón Miền Nam (SFG)…
Qua những thương vụ thoái vốn không thành công cho thấy, mức độ quan tâm của nhà đầu tư sẽ phụ thuộc nhiều vào mức định giá và khối lượng thoái vốn. Một số DNNN thời gian qua thoái vốn không thành công còn do việc thoái vốn nhà nước toàn phần hầu như chỉ ở những DN có chất lượng vừa phải.
Trong khi đó, những DN nhận được sự quan tâm của thị trường thì nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, tỷ lệ thoái vốn nhà nước rất nhỏ nên chưa hấp dẫn giới đầu tư. Do đó, với nhận định cho rằng giá cổ phiếu sẽ biến động mạnh mẽ ngay sau khi DN thoái vốn và có chủ sở hữu mới chỉ đúng ở một số trường hợp, chứ không phải ở tất cả các DN thoái vốn.
Cẩn trọng “đu”cổ phiếu thoái vốn
Mặc dù thị trường cổ phiếu thoái vốn lặn “sóng”, nhưng cổ phiếu nhiều DN có thương hiệu, tài sản giá trị, triển vọng kinh doanh tốt, có kế hoạch thoái vốn, vẫn có sức hấp dẫn lớn. Thực tế cho thấy, nhóm cổ phiếu “họ” Viettel thời gian qua như VGI, CTR, VTP đã tạo “sóng” trên thị trường.
Do đó, “sóng” IPO dự báo tiếp diễn khi trong tổng số gần 100 DN mà nhà nước sẽ cổ phần hóa từ nay đến năm 2020 có nhiều DN hấp dẫn như Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Xăng dầu (PLX), Tập đoàn Dệt may (VGT), Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN)...
Một số thương vụ thoái vốn lớn đang được chú ý và kỳ vọng sớm diễn ra, có thể kể đến như Bộ GTVT bán vốn tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN). Vinachem; bán vốn tại một loạt DN đang niêm yết, như Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam (PAC), Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM), Công ty CP Phân bón Bình Điền (BFC)…
Nói về việc “săn” cổ phiếu thoái vốn, Công ty Chứng khoán VCBS cho hay, nhiều cổ phiếu trước khi nhà nước thoái vốn được nhà đầu tư săn đón bởi DN hoạt động kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng tích cực, nhu cầu mua tăng trong khi cung hạn hẹp, nên giá cổ phiếu tăng “nóng”.
Không ít cổ phiếu được chào bán với mức giá cao, dù khả năng sẽ ít người mua nhưng mục đích của việc này là tạo mặt bằng giá mới để đưa cổ phiếu lên sàn với mức giá cao. Vì vậy, săn cổ phiếu thoái vốn có thể là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư.
Bởi lẽ, nếu dòng tiền đầu cơ đẩy thị giá và khối lượng giao dịch tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn, vượt quá kỳ vọng của dòng tiền đầu tư về giá trị nội tại của DN, thì sau khi câu chuyện thoái vốn ngã ngũ, dòng tiền đầu cơ ngắn hạn rút lui, đà tăng giá sẽ khó được duy trì, thậm chí thị giá có thể phải mất nhiều thời gian để quay lại vùng đỉnh.
Câu chuyện thoái vốn tại Sabeco (SAB) là một điển hình. Chỉ khoảng một tháng sau thoái vốn nhà nước thành công, thị giá cổ phiếu SAB đã giảm từ 340.000 đồng còn 230.000 đồng/cổ phiếu. Dù hồi phục tốt trong hơn 1 năm qua, song thị giá của SAB hiện cũng chỉ xoay quanh mức 250.000 - 260.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) cũng từ mức 96.000 đồng/cổ phiếu khi SCIC thoái vốn thành công, nay đã giảm về giao dịch quanh mức 50.000 - 53.000 đồng/cổ phiếu.
Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư chiến lược có thể chấp nhận mức giá cao để mua sở hữu, khai thác lợi thế cạnh tranh của DN trong dài hạn, tạo ra những đợt tăng “nóng” thị giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng để giữ đà tăng dài hạn, sẽ phải chờ những chuyển biến từ kết quả kinh doanh cốt lõi của DN. Đua theo cuộc chơi thoái vốn có thể đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư, nhưng rủi ro thua lỗ cũng rất lớn.