Cơ sở cho dự báo kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng cao năm 2022
Nền kinh tế Việt Nam năng động thể hiện qua tính chủ động, linh hoạt của khu vực doanh nghiệp trong thực thi hiệu quả các giải pháp để vượt qua khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2022 và dự báo cả năm, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Thưa ông, bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2022 của Việt Nam có những nét đặc trưng gì?
Kinh tế 8 tháng năm 2022 đã phục hồi và phát triển đồng đều ở cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ. Khu vực nông nghiệp và thuỷ sản vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế, trồng trọt theo đúng lịch mùa vụ, điều chỉnh cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Chăn nuôi phát triển ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy vậy, nuôi trồng thuỷ sản có dấu hiệu tăng chậm lại; khai thác thuỷ sản gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, thời tiết không thuận lợi.
Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, gần lấy lại đà tăng trưởng của những năm trước đại dịch với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng năm 2022 tăng 9,4%, gần bằng mức tăng 9,5% của 8 tháng năm 2019, thấp hơn mức tăng 10,8% của 8 tháng năm 2018.
Đặc biệt với tinh thần vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để sản xuất kinh doanh, trong 8 tháng năm nay cả nước có 149.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động; trong đó, có 101.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 24,2% và 48.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; bình quân 1 tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.
Tuy vậy, cũng trong 8 tháng có 104.300 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể, bình quân mỗi tháng có 13.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang oằn mình đương đầu với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái, nét rất đặc trưng của kinh tế Việt Nam đó là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh đạt 13,86 tỷ USD tăng 45,3%. Điều này phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường kinh doanh và vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một trong những động lực thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế đó là tổng cầu tiêu dùng trong nước thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.679 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, hoạt động thương mại quốc tế trong 8 tháng năm 2022, đạt kết quả khả quan với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%, tạo cơ sở đạt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 vượt mốc 700 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Nét đặc trưng nổi bật, rất quan trọng, là căn cứ giữ ổn định vĩ mô đó là chỉ số CPI tháng 8/2022 chỉ tăng 0,005% so với tháng trước; tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.
Ông vừa đề cập tới khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 vượt mốc 700 tỷ USD trong bối cảnh “cơn gió ngược” đang cản trở hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam. Vậy giải pháp thời gian tới là gì thưa ông?
Các nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Mỹ, cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đang chịu áp lực của lạm phát cao, người dân phải cắt giảm chi tiêu và thay đổi cơ cấu tiêu dùng, kinh tế có nhiều dấu hiệu rơi vào suy thoái làm giảm tổng cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam.
Tuy vậy, nhìn vào xuất nhập khẩu trong hai năm kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta liên tiếp lập kỷ lục với năm sau cao hơn năm trước, năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD; năm 2021 đạt 668 tỷ USD. Năm 2021, Việt Nam có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chỉ trong 8 tháng năm nay đã có 30 mặt hàng kim ngạch vượt 1 tỷ USD.
Kết quả này phản ánh tiềm năng và vị thế kinh tế Việt Nam trong bản đồ thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế đã và đang tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế để trụ vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh trên thị trường xuất khẩu.
Để vượt qua cơn gió ngược cản trở tăng trưởng xuất khẩu, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong xuất, nhập khẩu. Đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu.
Hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện chính sách nhằm khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu. Cùng với đó, Bộ Công Thương dự báo thị trường kịp thời, chính xác; tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông về xuất, nhập khẩu; hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đa dạng thị trường xuất khẩu hàng hoá; đồng thời, tận dụng hiệu quả hơn những lợi thế do các Hiệp định Thương mại tự do mang lại.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ít nhiều cũng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, vậy trong giai đoạn tới để cân bằng giữa việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi đồng thời kiểm soát lạm phát, công tác điều hành lãi suất nên được thực hiện như thế nào?
Việc Fed và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất sẽ tác động không thuận tới hoạt động xuất nhập khẩu, áp lực lên lãi suất và tỷ giá của nền kinh tế, từ đó áp lực lên lạm phát.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực từ nhiều phía. Người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao còn doanh nghiệp mong lãi suất đầu ra giảm, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn lại mong tháo gỡ tín dụng, các lĩnh vực sản xuất khác cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh. Có thể nói Ngân hàng Nhà nước đang chịu áo lực từ “ba bề tứ phía”.
Bên cạnh đó, tác động vòng hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7. Tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực. Nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới ở mức cao thì nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao. Khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, tiền Việt Nam đồng có thể mất giá, tạo áp lực lên lạm phát.
Vì vậy, trong thời gian tới, điều hành lãi suất nên ổn định và linh hoạt trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể và từng giai đoạn; kết hợp hài hoà và hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và tài khoá trong điều hành lãi suất.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% là minh chứng cho phương pháp điều hành lãi suất trong sự kết hợp với chính sách tài khoá. Thông thường, chính sách tài khoá nghịch chu kỳ thường được áp dụng trong giai đoạn suy giảm của nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh.
Gần đây nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra dự báo đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam, từ 7,5- 8,5%. Thưa ông đâu là những cơ sở để lạc quan về kinh tế Việt Nam?
Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 7,5-8,5% dựa trên bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2 quý đầu năm và các chỉ số kinh tế 8 tháng của năm. Các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động, nằm trong khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam năng động thể hiện qua tính chủ động, linh hoạt của khu vực doanh nghiệp trong thực thi hiệu quả các giải pháp để vượt qua khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước.
Đặc biệt, với sự đồng hành kịp thời, chỉ đạo hiệu quả của Quốc hội với Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế và giải pháp để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng được tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.
Sức mua của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân được “hồi sinh” mạnh mẽ sau năm 2021 bị kìm nén do đại dịch là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng cao trong năm nay. Tiêu dùng cuối cùng của người dân chiếm trên 70% trong GDP. Tám tháng năm 2022, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ đạt mức 2 con số (tăng 15,1% sau khi đã loại trừ yếu tố giá), dự báo tiêu dùng của dân cư sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, yếu tố này là căn cứ tin cậy cho lạc quan về kinh tế Việt Nam của năm 2022.
Một căn cứ quan trọng để chúng ta lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022 đó là các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện qua xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Tại thời điểm 1/8/2022 số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 27,1% so với cùng thời điểm năm 2021; lao động khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 20,1%.
Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7,5%, thậm chí 8,5% cũng không phải là quá cao và khác thường khi quy mô và tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức rất thấp so với những năm trước đại dịch. Mức tăng trưởng 7,5-8,5% năm nay cũng chỉ tương đương với mức tăng 5,5-6,5% nếu hai năm 2020 và năm 2021 nền kinh tế vẫn tăng trưởng bình thường như các năm 2018 và 2019. Thông thường, năm phục hồi ngay sau năm khủng hoảng nền kinh tế đều có tốc độ tăng cao.
Nhìn lại kinh tế Mỹ năm 2021 tăng 5,7% sau khi giảm 3,4% trong năm 2020 do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và cao hơn mức tăng 3,1% năm 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch. Kinh tế Trung Quốc năm 2021 tăng 8,1% cao nhất trong thập kỷ qua.
Xin cám ơn ông!