Nếu Châu Âu quay lưng với Huawei, Trung Quốc sẽ lập tức "làm khó" Nokia và Ericsson!
Hồi tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông qua quyết định cấm các nhà khai thác mạng trong nước mua thiết bị mạng Huawei kể từ sau ngày 31/12/2020, đồng thời “thanh trừng” mọi thiết bị mạng từ nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc ra khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G Anh Quốc đến năm 2027.
Sau lệnh cấm của Anh, hai đối thủ lớn nhất của Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) được hưởng lợi trực tiếp nhất.
Các nhà mạng Anh đang xem xét hợp tác với Ericsson hoặc Nokia để phục vụ dự án phát triển mạng 5G quốc gia.
Nhiều nhà mạng khác trên thế giới cũng đang có xu hướng lựa chọn các nhà cung cấp Châu Âu thay vì Huawei do chịu tác động từ lệnh cấm của Anh quốc.
Trong bối cảnh đó, nguồn tin của Tạp chí phố Wall cho hay Bộ Thương mại Trung Quốc đang xem xét các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn Nokia và Ericsson xuất khẩu các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc sang quốc gia khác.
“Trả đũa Nokia và Ericsson sẽ là biện pháp tệ nhất mà Bắc Kinh chọn lựa một khi các nước Châu Âu theo chân Anh quay lưng với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc, cấm cửa họ khỏi dự án xây dựng mạng di động 5G” - nguồn tin cho hay.
Cho đến nay, EU vẫn chưa đưa ra khuyến nghị nào về việc cấm cửa Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, khối này đã ban hành Bộ tiêu chuẩn bảo mật để các quốc gia thành viên áp dụng trong việc tìm kiếm nhà cung cấp an toàn, hạn chế rủi ro bảo mật khi xây dựng mạng lưới 5G thế hệ mới.
Bắc Kinh đã tố Mỹ “chơi bẩn” khi gây áp lực cho các đồng minh trong vấn đề Huawei, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa Anh vì cấm cửa Huawei.
Thực tế, quyết định quay lưng với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mà Thủ tướng Boris Johnson vừa thông qua không chỉ có nghĩa là Huawei mất đi một thị trường quan trọng tại Châu Âu. Sâu xa hơn, Trung Quốc đang lo ngại nhiều quốc gia khác có thể sẽ “nối gót Anh.
Carisa Nietsche, một nhà nghiên cứu tại cơ quan cố vấn New American Security nhận định: “Sự thay đổi lập trường của Anh có thể nhắc nhở các quốc gia Châu Âu còn lại đánh giá về nguy cơ tiềm tàng từ các thiết bị viễn thông Huawei tới an ninh mạng 5G. Anh từ lâu đã là quốc gia có tầm ảnh hưởng ở Châu Âu. Khi Anh cấm Huawei, nhiều quốc gia Châu Âu khác có thể sẽ hành động tương tự.”
Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã đến Paris tham gia chương trình nghị sự cấp cao với các quan chức từ Pháp, Anh, Đức và Italy. Nội dung buổi hội đàm xoay quanh vấn đề phủ sóng mạng 5G thế hệ mới, trong đó vị cố vấn Nhà Trắng tiếp tục truyền đi thông điệp cảnh báo các quốc gia về rủi ro tiềm ẩn từ thiết bị viễn thông Huawei.
Cách đây không lâu, Mỹ đã cáo buộc Huawei là một trong một số tập đoàn được hậu thuẫn bởi chính phủ Bắc Kinh và có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan quân sự của ĐCS Trung Quốc.
Các nhà quan sát nhận định Trung Quốc có nguy cơ trả đũa Anh trên nhiều mặt trận: từ áp thuế hoặc cấm nhập khẩu rượu whisky Scotland, ô tô Jaguar Land Rover... cho đến chuyển hướng sang thị trường tài chính, trừng phạt các ngân hàng Anh như HSBC hay Standard Chartered vốn đang phụ thuộc đáng kể vào thị trường Trung Quốc. Nhưng để nhắm vào các nhà cung cấp thiết bị viễn thông như Nokia và Ericsson, đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác.