Còn nguyên giá trị từ bài học “sức mạnh toàn dân”

Lương Kết Thứ hai, ngày 01/05/2017 06:41 AM (GMT+7)
“Những người từng đi qua chiến tranh hay những người dân hiện nay đều gửi gắm những người lãnh đạo cần thấm nhuần những bài học thành công từ trong chiến tranh để đưa đất nước theo con đường phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, hiệu quả hơn”.
Bình luận 0

PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN.

Từng là người lính, là nhà nghiên cứu khoa học về lịch sử Đảng, được chứng kiến quá trình đổi thay của đất nước qua nhiều giai đoạn, điều gì khiến ông suy nghĩ nhất khi nhắc tới ngày thống nhất non sông cách đây 42 năm, thưa ông?

- Dân tộc chúng ta đã đi qua một cuộc chiến tranh rất khốc liệt với rất nhiều tổn thất hy sinh để có được cuộc sống ngày hôm nay. Có thể nói cái giá mà dân tộc ta phải trả rất nặng nề. Chính vì thế hòa bình, độc lập, thống nhất là vô cùng quý giá đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta phải biết ơn những người đã ngã xuống, đã hy sinh một phần xương máu để có được độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay.

Mặc dù cuộc chiến tranh đã đi qua được 42 năm nhưng hậu quả để lại đến nay vẫn còn rất lớn. Tại phiên trả lời chất vấn ngày 18.4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã đưa ra con số khiến rất nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ. Hiện nay còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa xác định được danh tính, và còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập.

Nhìn vào con số đó không ai trong chúng ta không khỏi đau lòng, bởi điều đó cũng đồng nghĩa với từng đó gia đình cho đến nay vẫn không biết người thân của mình hy sinh thế nào, ở đâu, trong trường hợp nào. Nhìn lại cuộc chiến đó không ai mong muốn cả nhưng vì độc lập, tự do và sự thống nhất của Tổ quốc mà nhân dân Việt Nam đã chấp nhận sự hy sinh lớn lao. Đây là sự độc lập, tự do và thống nhất rất quý báu mà chúng ta phải bảo vệ.

img

   Cha con lão ngư dân Triệu Phong (Quảng Trị) chở bộ đội tiếp sức cho Thành cổ năm 1972. Ảnh: Đoàn Công Tính

Đại thắng mùa Xuân 1975 diễn ra nhanh chóng, một bài học quý giá là do chúng ta nhận định và phân tích đúng tình hình để đưa ra những quyết định lịch sử. Bài học này có ý nghĩa thế nào trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay?

- Bài học về nắm bắt tình hình, nắm bắt thời cơ để chúng ta kết thúc cuộc chiến tranh bằng cuộc Tổng tấn công mùa Xuân 1975 một cách nhanh chóng vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Chúng ta xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế, khi những điều kiện quốc tế không còn như trước. Chúng ta phải tự mình bươn trải, tự mình đứng lên, tự mình xây dựng thì càng phải tỉnh táo để thiết lập các mối quan hệ quốc tế  phù hợp, đánh giá đúng tình hình, đánh giá đúng ai là bạn, ai là đối tác để có những quyết định đúng đắn, có lợi cho dân tộc.

Nhìn lại cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, các vị lãnh đạo của chúng ta lúc đó đã đánh giá, phân tích rất đúng tình hình, để từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt, táo bạo.

Trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay cũng cần phải có những nhà lãnh đạo am hiểu tình hình trong nước và quốc tế sâu sắc, sự tỉnh táo, trách nhiệm và quyết đoán để đưa ra những quyết định đúng, thiết lập được những mối quan hệ có lợi vừa bảo vệ được hòa bình, vừa xây dựng được đất nước. Những người từng đi qua chiến tranh hay những người dân hiện nay đều gửi gắm những người lãnh đạo thấm nhuần những bài học thành công từ trong chiến tranh để đưa đất nước theo con đường phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, hiệu quả hơn.

img

Trong giai đoạn lịch sử nào cũng vậy, niềm tin và sự ủng hộ của người dân là nền tảng để quyết định mọi thắng lợi. Vào đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã mở kênh để tiếp nhận những thông tin phản ánh của người dân trên công thông tin điện tử. Như vậy, Chính phủ đã trực tiếp tương tác, lắng nghe ý kiến của người dân”.
PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà

Chúng ta đã trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Sau Đại hội XII của Đảng, nhiều người ví chúng ta bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai, một bài học rất quan trọng từ Đại thắng mùa Xuân 1975 là huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc, ông nghĩ sao về nhận định này?

- Đảng ta luôn nhận thức rõ rằng để phát triển đất nước, vấn đề nội lực là yếu tố căn bản, có tính quyết định. Phát huy tốt nội lực kết hợp được yếu tố ngoại lực sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Trong chiến tranh cũng vậy, mặc dù chúng ta nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, kể cả về tinh thần rất to lớn từ bên ngoài nhưng nếu chúng ta không phát huy được sực mạnh của nội lực thì chúng ta khó có thể giành được thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trước năm 1972, các nước viện trợ cho cho chúng ta rất lớn, nhưng sau chuyến thăm Trung Quốc (2.1972) và thăm Liên Xô (5.1972) của Tổng thống Mỹ lúc đó là Ních xơn, thì vì lý do này, lý do khác, họ không còn viện trợ nhiều như ở giai đoạn trước. Trong bối cảnh đó, Đảng ta vẫn quyết định huy động toàn bộ sức mạnh nội lực cho cuộc chiến tranh và gìành thắng lợi.

Bài học huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế hiện nay chủ yếu dựa trên lợi ích dân tộc. Chúng ta muốn kết bạn, muốn giao lưu hợp tác, làm ăn với các nước thì chúng ta phải chứng tỏ có đủ điều kiện, đủ khả năng, đủ sức mạnh để hợp tác với họ, trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.

Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần phải nhận thức đúng về sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Muốn có sức mạnh của toàn dân, vấn đề then chốt là phải giữ được niềm tin của người dân. Thực tiễn trong thời gian qua không ít nơi xảy ra tình trạng chính quyền để mất niềm tin với người dân, ví dụ như ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đây là điều thực sự đáng lo ngại, thưa ông?

- Chúng ta đều nói Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, tất cả mọi quyết định, mọi hành động của Nhà nước, của các cơ quan công quyền đều phải vì lợi ích của người dân. Chính vì thế, cần lắng nghe ý kiến phản biện của người dân. Có những gì người dân khúc mắc, các cấp chính quyền cần có những động thái, cách thức để giúp người dân hiểu. Bao giờ cũng phải nghĩ dân luôn là người ủng hộ chúng ta, đó là nền tảng sức mạnh của đất nước. Khi những nhà lãnh đạo ý thức được điều đó, họ sẽ lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, sự phản biện của người dân.

Nhiều nhà sử học, nhà lãnh đạo từng nói dân ta là dân cách mạng, rất tốt, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhưng khi đã có những điều người dân nhận thấy ở đâu đó chính quyền không lắng nghe ý kiến của họ, có những việc làm thiếu minh bạch, có dấu hiệu tiêu cực, các cơ quan công quyền dùng các biện pháp hành chính để hành xử, thì người dân sẽ bất bình, bài học từ vụ việc ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức là ví dụ.

Những biểu hiện như thế không nên có trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, trong công tác lãnh đạo chính quyền làm sao tạo được sự dân chủ, làm sao có kênh để lắng nghe, đối thoại với người dân để tìm ra giải pháp tốt nhất trước những vấn đề khúc mắc.

Trong giai đoạn lịch sử nào cũng vậy, niềm tin và sự ủng hộ của người dân là nền tảng để quyết định mọi thắng lợi. 

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem