‘Cơn sóng thần’ Covid-19 lần hai ảnh hưởng tới thị trường nông sản Ấn Độ ra sao?
Ngành nông nghiệp của Ấn Độ đang ở chế độ chờ và theo dõi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng tồi tệ ở nước này. Các đợt đóng cửa cục bộ đã kéo giảm nhu cầu của thị trường. Nếu chính phủ triển khai bất kỳ quy định nghiêm ngặt nào khác trong những ngày tới, hoạt động giao thương chắc chắn sẽ trì trệ và nguồn cung ứng bị gián đoạn.
Mặc dù nông nghiệp và các hoạt động có liên quan được miễn trừ khỏi các hạn chế của chính phủ, một số thị trường tại Ấn Độ vẫn bị đóng cửa do số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng kỷ lục.
Kết quả, thị trường nội địa hoàn toàn không có nhu cầu với dầu cọ, ngũ cốc và đường, các nguồn tin nói với S&P Global Platts. Trước đó, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn nhất và cũng là nước tiêu thụ ngũ cốc và đường lớn của thế giới.
Trong khi đó, xuất khẩu các loại nông sản, như đường, vẫn ổn định. Giá vì thế cũng được hỗ trợ, những người tham gia thị trường cho biết.
Nhu cầu tiêu thụ dầu cọ có thể tăng
Nhu cầu dầu cọ của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng do gần 60% lượng tiêu thụ sản phẩm này đến từ khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (HORECA), một lĩnh vực sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.
“Nói chung, nếu Ấn Độ phong tỏa toàn quốc thì tiêu thụ dầu thực vật sẽ giảm 20%. Hiện nay, các nhà máy lọc dầu đã giảm sản lượng 2 – 3%. Tại các thành phố và tiểu bang có số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, lĩnh vực HORECA đã bắt đầu giảm đặt hàng và trì hoãn các đơn hiện có vì tình hình bất ổn”, Sandeep Bajoria, CEO của công ty môi giới dầu thực vật Sunvin Group, cho hay.
Nhu cầu dầu cọ có dấu hiệu giảm nhẹ do các lệnh phong tỏa cục bộ nhưng giá dầu thực vật ở Ấn Độ vẫn cao. Giá các loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình như hướng dương, đậu nành, mù tạt và lạc gần đây đều loanh quanh ở mức kỷ lục, còn giá dầu cọ lại thấp hơn. Vì lý do này, các hộ gia đình có thể sẽ chuyển sang dùng dầu cọ, các thương nhân và người trong ngành dự đoán.
“Ngay cả khi lĩnh vực HORECA giảm tiêu thụ trong thời gian tới, thị trường dầu cọ có thể không bị ảnh hưởng vì giá các loại dầu khác đều cao nên mọi người sẽ chuyển sang dầu cọ”, ông Bothra nói.
Xuất khẩu lúa mì, gạo ổn định
Thị trường ngũ cốc của Ấn Độ khá yên ắng do vắng người mua hoặc giao dịch bị tạm ngừng, theo các nguồn tin.
Nhu cầu lúa mì ở Indore, một trung tâm giao thương lớn của bang Madhya Pradesh, bị ảnh hưởng khi thị trường đóng cửa do lệnh cấm vận của chính quyền bang, N K Agarwal, một thương nhân địa phương cho hay.
Trong bối cảnh một số thị trường đóng cửa và nguồn cung bị thắt chặt, giá lúa mì bắt đầu tăng ở các trung tâm giao thương khác. Tại Jaipur, bang Rajasthan, giá mặt hàng này tăng lên gần 18.742 rupee/tấn (250 USD/tấn), từ mức khoảng 17.769 rupee/tấn hồi đầu tháng 4.
Ngoài ra, những điểm nghẽn về logistics cũng gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ lúa mì.
“Chúng tôi không thể tìm được phương tiện để vận chuyển hàng hóa đến các bang khác. Việc này hiện chưa tác động đến xuất khẩu nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến các chuyến hàng xuất ngoại nếu các lệnh hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài”, theo một nhà xuất khẩu ở Delhi.
Đến nay, xuất khẩu của Ấn Độ phần lớn chưa bị ảnh hưởng. Xuất khẩu gạo tăng 43,5% về giá trị trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho thấy.
Đối với ngô, vụ đông đang được thu hoạch trên cả nước mà không bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, theo các nguồn tin.
Hoàn toàn không có nhu cầu tiêu thụ đường
Các lệnh phong tỏa ở nhiều bang tại Ấn Độ, như Maharashtra, khiến nhu cầu đường hoàn toàn biến mất. Maharashtra, vốn là trung tâm giao dịch đường của Ấn Độ, bị phong tỏa sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
Nhu cầu đường nội địa bị ảnh hưởng do không có người mua số lượng lớn, là các nhà sản xuất kem và đồ uống lạnh. Những đối tượng này thường mua mạnh trước khi mùa hè tới.
Nhu cầu đường cho mùa cưới cũng không còn do chính phủ hạn chế các cuộc tụ tập đông người, ông Mukesh Kuwadia, Tổng thư ký của Hiệp hội Thương gia Đường Bombay, chia sẻ. Mùa cưới thường chiếm phần lớn trong nhu cầu đường nội địa.
Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu đường và giá đều ổn định, theo ông Kuwadia. “Các nhà máy sản xuất hiện nay không chịu áp lực bán tháo, vì nhu cầu xuất khẩu vẫn ổn định. Vì vậy, các nhà máy cũng không hạ giá”.
Nhìn chung, xuất khẩu của hầu hết hàng hóa đến nay đều chưa bị xáo trộn và cũng chưa xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động tại các cảng. Tuy nhiên, theo giới thương nhân, điều này sẽ xảy ra nếu chính phủ nhắm đến việc thắt chặt lệnh phong tỏa.