Công ty du lịch, lọc nước nhảy sang làm khẩu trang y tế

16/08/2020 05:41 GMT+7
Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất khẩu trang với hy vọng cải thiện tình hình kinh doanh.
Công ty du lịch, lọc nước nhảy sang làm khẩu trang y tế - Ảnh 1.

Ngày 14/8, Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt tuyên bố đưa ra thị trường các loại khẩu trang y tế, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần. Trước đó mấy ngày, hãng máy lọc nước Karofi cũng cho biết đã sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn đến 13 nước trên thế giới.

Làm khẩu trang hoặc đóng cửa

Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt cho biết đây là hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

"Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đóng cửa gần như toàn bộ hoạt động du lịch, hàng trăm nhân sự không có việc làm. Bây giờ tất cả dồn lực để làm khẩu trang, từ sắp xếp, đóng hộp sản phẩm đến trực tiếp bán hàng, tư vấn cho khách hàng. Cứ đà này thì tôi tin là có thể ký nhiều hợp đồng hơn nữa, từ đó duy trì công ăn việc làm cho nhân viên suốt cả năm", ông nói.

Công ty du lịch, lọc nước nhảy sang làm khẩu trang y tế - Ảnh 2.

Doanh nghiệp du lịch liên kết đầu tư máy móc để sản xuất khẩu trang trong giai đoạn Covid-19. Ảnh: NVCC.

Để có thể chuyển từ lĩnh vực du lịch sang sản xuất, doanh nghiệp này liên kết với Ecom Net, đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị bảo vệ cá nhân dùng một lần trong y tế và công nghiệp cũng do ông Trần Văn Long làm Chủ tịch HĐQT. Nhờ thời gian dài làm việc trong ngành du lịch, ông có nhiều mối quan hệ ở các nước để tận dụng nhập máy móc sản xuất khẩu trang ngay khi dịch mới bùng phát hồi đầu năm.

"Lúc đó tôi không nghĩ sẽ đầu tư nhiều và biến khẩu trang thành mặt hàng chủ lực như thế này. Hiện tại chúng tôi sản xuất 100% tại Việt Nam, công suất khoảng 5 triệu khẩu trang/ngày. Chúng tôi đầu tư hẳn một nhà máy để sản xuất lớp vải không dệt meltblown (lớp lọc vi khuẩn, virus) vốn chiếm 2/3 giá thành một chiếc khẩu trang", vị CEO cho biết.

Trong khi đó, với Karofi, Tổng giám đốc Trần Mạnh Hào coi khẩu trang là một sản phẩm trong ngành hàng lọc không khí của doanh nghiệp. Nhận thấy tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty điều chỉnh chiến lược và mở rộng dây chuyền để sản xuất khẩu trang.

"Đối với chúng tôi, việc mở rộng này vừa tạo ra sự ổn định về việc làm, thu nhập cho cán bộ công nhân viên, vừa duy trì được sự phát triển của công ty trong mùa dịch”, ông khẳng định.

Tương tự Công ty Du lịch Việt, Karofi xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài trước, đến khi dịch bùng phát lần hai mới bán tại Việt Nam. Chỉ trong tuần đầu ra mắt, sản phẩm được đón nhận bởi cả người tiêu dùng trẻ tuổi và trung niên.

Theo ông Trần Văn Long, quyết định gia nhập thị trường khẩu trang nội địa xuất phát từ thực tế bất ổn trong chất lượng và giá cả mặt hàng này hiện nay. Nhờ tự sản xuất nguyên liệu đầu vào, khi bán tại Việt Nam, doanh nghiệp đưa ra mức giá cạnh tranh từ 59.000 đồng/hộp 50 khẩu trang y tế. Ông cho rằng điều này sẽ giúp người tiêu dùng ở mọi tầng lớp, thu nhập đều có thể sử dụng.

Hiện tại, Du Lịch Việt đặt kho hàng tại một số điểm và phân phối khẩu trang y tế qua website tự xây dựng. Ông Long cho biết đang tìm kiếm một số nhà phân phối để mở rộng cung cấp đến nhiều tỉnh, TP hơn.

"Đại dương đỏ"

Khi dịch Covid-19 mới bùng phát hồi đầu năm, trên thị trường đã xuất hiện khẩu trang vải kháng khuẩn AirX làm từ bã cà phê, có màng lọc thay thế được. Theo CEO ShoeX Lê Thanh, sản phẩm này đã hỗ trợ nhiều cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, bởi doanh thu mặt hàng giày chủ lực lúc đó giảm 20% ở kênh online và gần như bằng 0 ở kênh phân phối trực tiếp.

Tương tự, trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng sớm chuyển dịch từ ngành hàng may mặc truyền thống sang sản xuất khẩu trang vải.

Là một trong những đơn vị đầu tiên bắt kịp xu hướng, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, cho biết tổng doanh thu trong giai đoạn tháng 4-8 năm nay tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu may mặc truyền thống chưa đạt 40% cùng kỳ. Riêng tiêu thụ nội địa mới phục hồi được 80% trước khi Covid-19 bùng phát lần thứ hai, giờ chỉ còn 60%.

Có thể nói, các sản phẩm khẩu trang và quần áo bảo hộ là cứu cánh cho doanh nghiệp khi chiếm khoảng 70% tổng doanh thu. Hiện nhà máy đạt công suất 100.000-275.000 khẩu trang/ngày.

Đến nay, Dony đã phát triển 5 đối tác độc quyền phân phối khẩu trang vải đến UAE, Bỉ, Australia và Malaysia, đồng thời đang chào hàng sản phẩm quần áo bảo hộ đến các đối tác trong và ngoài nước. Dự kiến 100.000 bộ quần áo bảo hộ đầu tiên đến Mỹ trong tháng 8.

Ông Phạm Quang Anh cho biết, trước tháng 6, thị trường sản phẩm phòng dịch là một "đại dương xanh", và bản thân ông có ý định phát triển thêm nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên, hiện tại, phân khúc này đã biến thành "thị trường đỏ" khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, tạo nên tính cạnh tranh gay gắt và áp lực về giá.

Công ty du lịch, lọc nước nhảy sang làm khẩu trang y tế - Ảnh 3.

Thị trường khẩu trang và sản phẩm phòng dịch ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

"Sau khi đánh giá tổng quan, Dony từ bỏ ý định sản xuất khẩu trang N95, khẩu trang y tế..., vì các sản phẩm này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên vật liệu, công nghệ tự động hóa, dây chuyền sản xuất... nhập khẩu từ nước ngoài, khiến doanh nghiệp không thể chủ động sản xuất và kiểm soát tốt", ông Phạm Quang Anh nói với PV.

Hiện nay, mặc dù giá trị mỗi đơn hàng (trong tháng 8 có đơn hàng xuất khẩu 450.000 khẩu trang sang Mỹ), nhưng số lượng đơn hàng không tăng nhiều, chủ yếu là khách hàng cũ. Do đó, Dony vẫn tiếp tục sản xuất những mặt hàng phòng dịch nếu thị trường có nhu cầu. Tuy nhiên, về dài hạn, doanh nghiệp sẽ tập trung vào lĩnh vực may mặc vốn là thế mạnh.

Chia sẻ với PV, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cũng bày tỏ quan điểm này.

"Các mặt hàng khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế đang tăng trưởng tốt, giúp doanh nghiệp trụ vững trong 7 tháng qua. Tuy nhiên, khi dịch được khống chế, dư địa cho những sản phẩm thay thế này sẽ không còn nhiều. Trong khi đó, khả năng phục hồi của ngành may mặc truyền thống còn kém về cả số lượng lẫn giá cả. Dự báo quý III, IV sẽ rất khó khăn đối với các doanh nghiệp", ông khẳng định.

Lan Anh/Zing
Cùng chuyên mục