Công ty Giấy BBP sở hữu 3,2ha đất tại Phú Thọ bị rao bán nợ với giá khởi điểm hơn 350 tỷ đồng
Do Công ty CP Giấy BBP khó có thể trả được khoản nợ hơn 212 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Phú Thọ (VietinBank Bắc Phú Thọ) đã công bố sẽ bán đấu giá khoản nợ thương mại của Công ty CP Giấy BBP với giá trị khởi điểm tạm tính hơn 389,205 tỷ đồng.
Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Phú Thọ (VietinBank Bắc Phú Thọ), dư nợ gốc của Công ty CP Giấy BBP với ngân hàng là gần 212,6 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn 21,9 tỷ đồng.
Để có thể bán đấu giá thành công khoản nợ từ Công ty CP Giấy BBP, VietinBank Bắc Phú Thọ đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ trên là gần 350,3 tỷ đồng.
Đây là mức giá khởi điểm được đưa ra chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác phải nộp theo quy định liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng, sở hữu khoản nợ.
Khoản nợ được bảo đảm gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục khác phục vụ sản xuất giấy in, viết của Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất giấy in, viết công suất 50.000 tấn/năm của Công ty CP Giấy BBP.
Nhà máy được đầu tư xây dựng, lắp đặt trên đất của 2 quyền sử dụng đất có diện tích 31.867 m2 tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Cùng với đó là toàn bộ nhà xưởng và vật kiến trúc khác được xây dựng trên đất của quyền sử dụng đất có diện tích 18.945 m2 tại địa chỉ trên.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có dây chuyền thiết bị tẩy trắng bột tre công suất 10.000 tấn/năm, hệ thống thiết bị xeo, hệ thống máy khuấy bột, máy biến áp 1.500KVA, hệ thống cân điện tử… và 5 phương tiện vận tải (1 xe ô tô con biển kiểm soát 19L-5345; 2 xe ô tô Volvo 642; 1 xe ô tô tải biển kiểm soát 19L-6780; 1 xe nâng hàng).
Thời gian bán hồ sơ từ ngày 31/8 - 20/9/2022, tổ chức cuộc đấu giá vào ngày 23/9/2022 tại Công ty Đấu giá hợp danh Sao Việt, Số 1, Lô B11C, Khu đô thị Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Trước đó, bản báo cáo công nợ tại BBP giai đoạn 2011-2016 của Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco cho thấy, năm 2011 đơn vị này phát sinh khoản công nợ khó đòi lên tới hơn 31 tỷ đồng, năm 2012 công nợ lên tới hơn 40 tỷ đồng, năm 2013 tiếp tục tăng lên hơn 44 tỷ đồng, mặc dù có giảm nhưng đến năm 2016 công nợ vẫn còn gần 38 tỷ đồng, những khoản công nợ này chưa kể bao gồm phần lãi phát sinh theo thỏa thuận.
Trong giai đoạn 2011-2016, dù công nợ đã ở mức cao (trên 30 tỷ đồng) nhưng các hợp đồng kinh tế vẫn được ký kết; công nợ vẫn tiếp tục phát sinh.
Ngoài ra, trong hợp đồng ký không ghi rõ hạn mức nợ và mức dư nợ là không đúng với điều 2 khoản 2 Quy chế quản lý công nợ của Vinapaco ban hành ngày 28/11/2011 (hợp đồng kinh tế phải thể hiện đầy đủ các nội dung chủ yếu; các bên và người đại diện của các bên ký hợp đồng phải có năng lực pháp lý và phải đúng thẩm quyền; tên chủng loại hàng hóa, giá cả, số lượng, quy cách, sản phẩm; thanh toán, hạn mức nợ, số dư nợ…).
Cũng trong giai đoạn này, BBP trượt dài trong thua lỗ. Theo báo cáo tài chính của BBP, đến hết năm 2014, đơn vị này ghi nhận lỗ lũy kế hơn 210 tỷ trên tổng số hơn 218,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương 96,4% vốn chủ sở hữu. Sang năm 2015, BBP tiếp tục lỗ thêm hơn 45 tỷ đồng và phải dừng mọi hoạt động.