Công ty mẹ của Sabeco muốn lấn sân nhà hàng và trạm sạc xe điện
Theo thông tin của Nikkei Asia, Tập đoàn ThaiBev, doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á, cũng là chủ sở hữu thương hiệu Sabeco tại Việt Nam đang muốn chuyển hướng kinh doanh trong bối cảnh mới. Theo đó, năm 2023, ThaiBev lên kế hoạch đầu tư lên tới 8 tỉ baht (223 triệu USD) và phân bổ khoảng 30% cho mảng kinh doanh ngoài bia.
Chủ sở hữu thương hiệu Sabeco dự tính dành khoảng 1,1 tỉ baht cho thực phẩm, 300 - 400 triệu baht cho đồ uống không cồn và 600 - 800 triệu baht cho rượu chưng cất. Phần còn lại sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như logistics cũng như nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y tế, mở rộng nhà hàng và trạm sạc xe điện.
Theo kế hoạch, ThaiBev dự kiến sẽ mở 70 nhà hàng mới trong năm 2023, tăng 10% so với khoảng 700 nhà hàng hiện có của tập đoàn này. Trong đó, sẽ có 35 nhà hàng KFC mới. Năm 2017, gã khổng lồ này từng tung 11,4 tỷ baht (khoảng 325,8 triệu USD) mua lại chuỗi 252 nhà hàng KFC Thái Lan từ Yum Restaurants International.
Mặt khác, ThaiBev cũng đã triển khai thử nghiệm các trạm sạc xe điện tại hai nhà hàng KFC. Nếu thành công, chủ sở hữu của Sabeco sẽ bắt đầu triển khai trạm sạc xe điện đồng loạt tại các nhà hàng KFC ở Thái Lan.
Về mảng kinh doanh bia rượu tại thị trường Việt Nam, gã khổng lồ Thái Lan đang thực hiện quá trình tái cấu trúc Tổng CTCP Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HOSE: SAB), sau khi dùng 4,8 tỷ USD thâu tóm công ty này vào năm 2017. Tuy nhiên, nỗ lực tái cấu trúc Sabeco của ThaiBev không hiệu quả khi 36% cổ phần của công ty này vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
Bất chấp Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ bia số 1 Đông Nam Á và Sabeco có sự hồi phục kinh doanh đầy ấn tượng sau đại dịch, những điều này vẫn chưa khiến giới chủ ThaiBev hài lòng.
Trong quí 2/2022, Sabeco đã đạt mức lãi ròng kỷ lục 1.800 tỉ đồng (72,6 triệu đô la Mỹ), tăng 67% so với một năm trước đó. Trong quí 3, doanh thu của Sabeco đạt 8.600 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch Covid-19. Dù giá bán bia tăng, nhưng đà phục hồi doanh số bán hàng của Sabeco sau đại dịch vẫn diễn ra chậm chạp.
Những con số không nói dối về đà phục hồi kinh doanh của Sabeco sau đại dịch, song, điều này vẫn chưa đủ, nếu so với số tiền mà ThaiBev đã bỏ ra để sở hữu thương hiệu này.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh mờ nhạt của Sabeco được cho là do Việt Nam thắt chặt hình phạt đối với hành vi lái xe có nồng độ cồn kể từ tháng 1/2020 cùng sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Bình luận với Nikkei, nhà phân tích thị trường của Aizawa Securities, Masayuki Imai nói: "Thật khó để nói rằng kết quả kinh doanh này tương xứng với khoản đầu tư khổng lồ 4,8 tỷ USD Mỹ của ThaiBev vào Sabeco".
Tại một cuộc họp báo gần đây, Tổng giám đốc Sabeco Neo Gim Siong Bennett thừa nhận việc cải tổ doanh nghiệp vẫn đang được tiến hành, đồng thời cho biết "còn nhiều việc cần phải làm để cải thiện lợi nhuận, chẳng hạn như giảm chi phí hậu cần và lao động". Hệ thống sản xuất của Sabeco dựa trên sự tích hợp của các nhà máy bia quy mô nhỏ.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường của Công ty tư vấn Roland Berger, Kenichi Shimomura cho rằng: "Do sự khác biệt về chất lượng (của nhiều dòng sản phẩm) nên rất khó để Sabeco giảm chi phí thông qua sản xuất quy mô lớn".
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) của Việt Nam sở hữu khoảng 36% cổ phần của Sabeco và vẫn có quyền phủ quyết. Đã có những thông tin về ý định thoái vốn khỏi Sabeco của ThaiBev cũng như việc SCIC lên kế hoạch bán số cổ phần còn lại với giá cao.
Ở cuộc họp báo hồi cuối tháng 9, Giám đốc điều hành ThaiBev Thapana Sirivadhanabhakdi nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường đồ uống không cồn: "Để tiếp tục dẫn đầu ngành đồ uống tại châu Á, chúng tôi không thể bỏ qua tiềm năng lớn của thị trường đồ uống không cồn".