Coteccons kinh doanh ra sao sau lùm xùm giữa cổ đông và lãnh đạo?
Báo cáo tài chính quý II của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons mới được công bố cho thấy nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam lần đầu tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ từ năm 2018.
Doanh thu giảm mạnh nhưng lợi nhuận tăng cao
3 tháng vừa qua, doanh thu thuần của Coteccons đạt 3.971 tỷ đồng, giảm tới 31% so với quý II/2019 trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại. Tuy nhiên, tỷ suất lãi gộp của công ty tăng mạnh từ 3,2% lên 6,1%. Nhờ đó, lợi nhuận gộp của Coteccons vẫn tăng 33% lên 244 tỷ.
Ban lãnh đạo Coteccons lý giải nguyên nhân kết quả này năm nay tăng đột biến do cùng kỳ 2019, công ty bị ảnh hưởng của một số công trình lớn kéo dài hơn dự kiến làm chi phí cố định tăng, dẫn đến lợi nhuận gộp thấp.
Song song đó, Coteccons còn thu về 62 tỷ tiền lãi gửi ngân hàng trong kỳ vừa qua. Đại gia ngành xây dựng đang sở hữu 3.456 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng với thời hạn gốc từ 3 tháng đến 1 năm.
Do không vay nợ ngân hàng nên Coteccons không phát sinh chi phí lãi vay. Tuy nhiên, trong quý II, công ty ghi nhận 30 tỷ chi phí tài chính do chênh lệch đánh giá lại khoản đầu tư dài hạn.
Với chi phí quản lý doanh nghiệp, Coteccons tiết giảm 25% chủ yếu nhờ cắt giảm chi phí nhân viên. Sau khi hạch toán thêm khoản lợi nhuận khác từ hoàn nhập chi phí công trình và dự phòng bảo hành công trình, thanh lý tài sản cố định, Coteccons báo lãi trước thuế 199 tỷ và lợi nhuận sau thuế 158 tỷ đồng. So với quý II/2019, lãi ròng của công ty tăng 27%.
Đây là quý đầu tiên từ năm 2018, Coteccons chặn được đà sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận ròng của Coteccons là 282 tỷ đồng, vẫn thấp hơn 10% so với nửa đầu 2019. Doanh thu thuần 6 tháng đạt 7.525 tỷ đồng, sụt giảm 25%.
Đại gia ngành xây dựng năm nay lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt đạt 16.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng. Sau 1/2 thời gian, doanh nghiệp đã hoàn thành 47% hai chỉ tiêu kinh doanh.
Dòng tiền kinh doanh âm hơn 500 tỷ
Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Coteccons hơn 15.000 tỷ đồng, giảm gần 1.200 tỷ so với thời điểm 31/12/2019, chủ yếu do giảm giá trị hàng tồn kho, các khoản phải thu và tiền mặt.
6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của Coteccons âm 538 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền trên báo cáo tài chính giảm từ 801 tỷ xuống còn 226 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nhỏ so với lượng tiền mặt khủng đang gửi ngân hàng của công ty.
Tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 6, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ đang tìm phương án thích hợp để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, sử dụng lượng tiền mặt lớn sẵn có.
Trên báo cáo tài chính lần này, Ricons không còn được liệt kê là công ty liên kết của Coteccons. Khoản đầu tư 14,3% cổ phần tại Ricons được Coteccons hạch toán thành đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Giá trị khoản đầu tư này giảm từ 302 tỷ xuống 272 tỷ đồng.
Ricons chính là nguyên nhân dẫn đến những xung đột vừa qua giữa nhóm cổ đông ngoại, dẫn đầu là Kusto với ban lãnh đạo của Coteccons. Với lý do các thành viên HĐQT Coteccons đồng thời tham gia ban lãnh đạo Ricons, dẫn đến mâu thuẫn lợi ích khi công ty này vừa là nhà thầu phụ vừa là đối thủ cạnh tranh của Coteccons, cổ đông ngoại yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và CEO Nguyễn Sỹ Công rời công ty.
Vụ việc sau đó được dàn xếp khi ông Trần Sỹ Công và 1 lãnh đạo người Việt khác chấp nhận rút khỏi HĐQT Coteccons. Hai vị trí này được thay thế bởi nhân sự người nước ngoài của các cổ đông ngoại. Tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 6, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương khẳng định mâu thuẫn đã ở lại quá khứ và Coteccons đã sẵn sàng tiến về phía trước.
Lãnh đạo Coteccons cho biết đang được mời chào tham gia một số công trình nhưng từ chối vì không muốn chạy theo doanh thu mà phải mạo hiểm đánh đổi lợi nhuận. Đầu tháng 7, doanh nghiệp thông tin vừa trúng thầu 5 dự án mới với tổng giá trị 3.200 tỷ.