CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15%

29/12/2022 16:16 GMT+7
Giá xăng dầu là nguyên nhân lớn nhất trong mức tăng 3,15% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022.

Theo báo cáo do Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV/202 tăng 0,67% thì CPI cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021. Mức tăng này thấp hơn so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 4%.

Trong mức tăng 3,15%, giá xăng dầu là nguyên nhân đóng vai trò chủ yếu. Theo đó với 34 đợt điều chỉnh khiến giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 4.030 đồng/lít… đã làm giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%. Qua đó làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.

CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% - Ảnh 1.

Cụ thể, trong tháng 12, có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm (nhóm giao thông, nhóm bưu chính viễn thông) và 9 nhóm có chỉ số giá tăng.  

CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% - Ảnh 2.

CPI quý IV tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó: Giáo dục tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,17%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,31%; giao thông tăng 0,86%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,55%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,12%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo cơ quan thống kê, CPI bình quân năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu như giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% so với năm trước; giá gạo tăng 1,22% so với năm 2021; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62% so với năm 2021; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% - Ảnh 3.

Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,44% so với năm 2021. Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2022. Cụ thể giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước; giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước; giá bưu chính viễn thông giảm 0,37%.     

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2022.

Cũng theo bà Hương, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.


A.V
Cùng chuyên mục