Cuộc chạy đua đầu tư vào Việt Nam của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc

O.L Thứ hai, ngày 11/09/2023 08:00 AM (GMT+7)
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Biden đã đánh động với thế giới về một Việt Nam mới và chuyên gia dự báo tới đây dòng vốn đổ vào Việt Nam sẽ rất lớn, đặc biệt sẽ có một cuộc chạy đua đầu tư vào Việt Nam của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Bình luận 0

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 100 tỷ USD, đánh dấu là thị trường đầu tiên đạt con số kỷ lục này.

Bước sang năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,47%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%, nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD, tăng 6,63%, nhập siêu của Việt Nam 60,17 tỷ USD.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam? - Ảnh 1.

Trong 8 tháng 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa sang Trung Quốc trị giá 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là một trong số ít các thị trường xuất khẩu của nước ta duy trì mức tăng trưởng dương trong 8 tháng qua. Ngược lại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Với Mỹ, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 13 của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 75,7 tỷ USD (năm 2019).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 61,35 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,37 tỷ USD. Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong cùng năm 2019 đạt 46,98 tỷ USD, tăng 36,5% (12,56 tỷ USD) so với năm 2018.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam? - Ảnh 2.

Đến năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thương mại song phương Việt - Mỹ vẫn tăng 19,8% so với năm 2019, đạt 90,8 tỷ USD theo Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid - 19 kéo dài và diễn biến phức tạp của chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thương mại hai nước đạt mốc 100 tỷ USD. Năm 2022, thương mại song phương tiếp tục đạt kỷ lục với 123,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, Mỹ luôn duy trì vị thế thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỷ USD.

Và trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 62,3 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ trong 8 tháng qua ước đạt 53 tỷ USD.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam? - Ảnh 3.

Số liệu Tổng Cục Thống kê trong 8 tháng năm 2023.

Doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ rót bao nhiêu tiền vào Việt Nam?

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam qua các năm. Mỹ có năm giảm vốn đầu tư, riêng năm 2017, vốn đầu tư từ Mỹ tăng mạnh lên đến hơn 868 triệu USD, cao nhất giai đoạn 2015 đến nay.

Từ năm 2016, Trung Quốc liên tục lọt top 5 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Khi dịch Covid -19 diễn ra, vốn đăng ký đầu tư không ít vào Việt Nam và luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, năm 2021 là 2,92 tỷ USD, năm 2022 là 2,5 tỷ USD.

8 tháng năm 2023, trong 100 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng vọt 90,8% so với cùng kỳ. Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 20,7%).

Tính lũy kế, Trung Quốc vẫn đứng hàng thứ 6, với trên 25,5 tỷ USD. Tuy vậy, thứ hạng này đã được cải thiện đáng kể, sau khi vốn đầu tư từ Trung Quốc gia tăng mạnh những năm gần đây.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam? - Ảnh 4.

Đầu năm 2021, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Material Handling & Logistics của Mỹ công bố, có đến 43% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho rằng Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến mà họ ưu tiên để tìm kiếm địa điểm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Con số này tăng gấp đôi so với kết quả khảo sát hồi năm 2019.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam? - Ảnh 5.

Trong năm 2022, Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 748,17 triệu USD với 91 dự án cấp mới, xếp thứ 8 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Và trong 8 tháng đầu năm 2023, Mỹ có 72 dự án đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ 13 trong số các quốc gia có lượng vốn rót vào Việt Nam nhiều nhất.

"Đại bàng" Mỹ và Trung Quốc liên tục rót vốn vào Việt Nam

Trên thực tế trong những năm gần đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng rót vốn vào nền kinh tế gần 100 triệu dân

Đơn cử như Tập đoàn HKC Overseas Limited (Trung Quốc) mới đây đã được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu đô la Mỹ, dự án sẽ được triển khai tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 – Lộc Khang nhằm sản xuất màn hình, tivi…

Tập đoàn HKC Overseas Limited tiếp tục nối dài danh sách nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam? - Ảnh 6.

Cơ cấu FDI 7 tháng đầu năm 2023 theo đối tác. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đặt chân vào Việt Nam cách đây 4 năm, Yadea – Tập đoàn phát triển và sản xuất xe hai bánh chạy điện của Trung Quốc mới đây đã quyết định đầu tư thêm dự án mới tại tỉnh Bắc Giang. Tổng vốn đăng ký 100 triệu đô la Mỹ, dự án sẽ được thực hiện trên diện tích hơn 23 ha, công suất dự kiến khoảng 2 triệu xe/năm.

Bên cạnh đó, Yadea cũng sẽ tiếp tục mở Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại tỉnh Bắc Giang; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp vệ tinh cùng liên kết để phát triển sản phẩm.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc thì không ngừng dịch chuyển đầu tư ra các nước, trong đó Việt Nam cũng được hưởng lợi khi không ít nhà đầu tư FDI chọn là một trong những điểm đến.

Với doanh nghiệp Mỹ, thông tin mới được Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương công bố), hiện Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM tổng trị giá đầu tư 4 tỷ USD.

Từ đầu năm nay, Việt Nam liên đón nhận loạt thông tin tích cực về việc doanh nghiệp Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam. Đơn cử vào tháng 3, một phái đoàn 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX, Netflix, Apple đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực...

Vào tháng 4/2023, Tập đoàn P&G dự kiến mở rộng nhà máy ở Bình Dương. Trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cách đây chưa lâu, bà Priyamvada Srivastava, Tổng giám đốc Procter & Gamble Việt Nam cho biết, P&G hiện có 2 nhà máy tại Bình Dương, với quy mô 300 triệu USD. Thời gian tới, P&G sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát (Bình Dương).

Cuối năm nay, Amkor - "ông lớn" trong ngành công nghiệp bán dẫn, có trụ sở chính tại Arizona (Mỹ) cho biết sẽ đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn I là 500 triệu USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem