Đường cong lợi suất đảo ngược lần hai, FED bất lực nhìn Mỹ tiến gần tới suy thoái?

22/08/2019 11:07 GMT+7
Đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm tiếp tục đảo ngược vào chiều 21.8 (giờ Mỹ) lần thứ hai trong tháng 8 ngay sau khi FED công bố biên bản cuộc họp của FOMC hồi tháng 7, cảnh báo nguy cơ nước Mỹ tiến gần hơn đến bờ vực suy thoái.

Đường cong lợi suất lại đảo ngược, FED không đủ sức cứu vãn suy thoái?

Hai lần đường cong lợi suất đảo ngược cách nhau tròn 1 tuần

Chỉ một tuần trước, đường cong lợi suất cũng nghịch đảo trong thời gian ngắn khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Động thái này ngay lập tức nhấn chìm phố Wall trong sắc đỏ khi Dow Jones tụt 800 điểm, thị trường hoang mang vì những cảnh báo suy thoái kinh tế. Theo phân tích của các chuyên gia, trong 50 năm gần đây, mỗi lần đường cong lợi suất nghịch đảo là một lần nền kinh tế thực sự sắp bước vào suy thoái. Lần gần đây nhất, năm 2005, thị trường trái phiếu cũng chứng kiến một động thái tương tự như vậy. Chỉ 2 năm sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đưa thế giới bước vào thời kỳ đại suy thoái với ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế.

Đường cong lợi suất gần như đảo ngược lần hai vào chiều 21.8 ngay sau khi FED công bố biên bản cuộc họp FOMC hôm 31.7 làm rõ lập trường chính sách tiền tệ của cơ quan này. Ông Powell một lần nữa nhắc lại hành động cắt giảm lãi suất hồi cuối tháng 7 của FED thực chất là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ, và rằng FED hiện chưa có một lộ trình cụ thể nào cho những kế hoạch cắt giảm lãi suất trong tương lai. Cũng trong biên bản cuộc họp, FED nhận định thuế quan của ông Trump chính là mối đe dọa lớn với kinh tế Mỹ. Ngay sau đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 1,58% trong khi lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn 1,58%, gây ra sự đảo ngược trong thời gian ngắn tuy rằng biên độ chênh lệch không rõ rệt. Cũng có thể gọi đây là sự "đi ngang" của đường cong lợi suất, như một số nhà phân tích kinh tế nhận định.

Hai lần đường cong lợi suất đảo ngược cách nhau tròn 1 tuần dường như là dấu hiệu cảnh báo suy thoái đáng quan ngại, làm dấy lên nỗi lo sợ rằng hành động cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang FED là không đủ mạnh mẽ để cứu vãn nền kinh tế khỏi tương lai u ám. Nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra, nhiều khả năng hành động của FED không mang đến hiệu quả kích thích kinh tế như thị trường mong đợi, đơn giản bởi nguyên nhân suy thoái không nằm ở FED. Chỉ khi giải quyết triệt để nguyên nhân gây suy thoái, tăng trưởng kinh tế mới thực sự bền vững.

Đồng quan điểm này, Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa, thúc giục và cả ép buộc FED cắt giảm lãi suất để suy yếu đồng USD và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Gần đây nhất, hôm 19.8, ông Trump kêu gọi FED nên cắt giảm lãi suất tới 1% trong bối cảnh bất ổn thương mại hiện tại. Ông Trump từng “dằn mặt” FED trên Twitter rằng “Không phải Trung Quốc, FED mới là vấn đề thực sự của Mỹ”. Vị Tổng thống Mỹ đang muốn gợi lại những lần tăng lãi suất quá nhiều và quá nhanh của FED hồi năm 2017-2018 mà ông cho là một sai lầm chính sách khiến kinh tế Mỹ lao đao. 

FED và Jerome Powell một lần nữa trở thành tâm điểm của nền kinh tế

Chuyên gia phân tích Andy Brenner từ National Alliance ghi nhận: “Có vẻ như FED đang có xu hướng hành động bướng bỉnh và đường cong lợi suất gần như đảo ngược đã thể hiện điều đó”. 

Jon Hill, chiến lược gia lãi suất từ BMO thì quan ngại: “Nếu Ủy ban Thị trường mở FOMC không cho thấy một động thái cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và khẩn cấp lúc này, kinh tế Mỹ sẽ trở lại tình trạng giảm tốc với mức lạm phát yếu và thiếu động lực kích thích tăng trưởng.” Tuy nhiên cũng cần thấy rằng một số dữ liệu kinh tế tháng 7 như năng suất lao động, chi tiêu tiêu dùng...đã thể hiện sự khởi sắc le lói. Không loại trừ khả năng một sự cắt giảm quá sớm khi kinh tế chưa thực sự bước vào suy thoái sẽ dẫn đến những rủi ro trầm trọng hơn. 

Biên bản cuộc họp của FOMC hôm 31.7 vừa được FED công bố đã thể hiện rõ sự chia rẽ với 2 phiếu ủng hộ cắt giảm 0,5% lãi suất, 2 phiếu phản đối cắt giảm lãi suất và số còn lại đồng tình cắt giảm 0,25% lãi suất trong một động thái ôn hòa. Thị trường đang kỳ vọng 95% cơ hội FED cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 9 tới.

IMF cảnh báo chính sách tiền tệ không giúp giải quyết vấn đề

Các nhà kinh tế cấp cao từ Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF lại đưa ra lời cảnh báo rằng các quốc gia đặc biệt là Mỹ không nên phụ thuộc quá nhiều vào nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi tiền tệ không phải là yếu tố “đinh” trong nỗ lực cứu vãn nền kinh tế bên bờ vực suy thoái.

Cảnh báo của IMF được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát thấp và bất ổn thương mại thúc đẩy hàng loạt ngân hàng Trung Ương tìm cách nới lỏng. FED, Ngân hàng Trung Ương Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand đã thực hiện cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì tiến hành cải cách cơ chế lãi suất để giảm lãi vay thực tế còn Ngân hàng Châu Âu ECB dự kiến cắt giảm cuối năm nay. Đa số các Chính phủ hy vọng rằng việc giảm chi phí vay sẽ tạo động lực kích thích doanh nghiệp chi tiêu và đầu tư, kích thích người tiêu dùng mua sắm, qua đó duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, chính sự nới lỏng đồng loạt này lại làm gia tăng nguy cơ chiến tranh tiền tệ bởi sự suy yếu của tỷ giá hối đoái. Hàng hóa nội địa trở nên rẻ tương đối khiến nhu cầu nhập khẩu giảm, xuất khẩu cạnh tranh hơn, gây tổn hại cho thương mại toàn cầu.

Hồi đầu tháng 8, sau khi tỷ giá NDT bất ngờ xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ hồi đại suy thoái, lo ngại chiến tranh tiền tệ đã dâng cao vì Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ông Trump hồi tháng 6 cũng chỉ trích Chủ tịch ECB Mario Draghi vì tỷ giá đồng EUR suy yếu so với đồng USD. Thực chất, phá giá tiền tệ có thể sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng trong ngắn hạn nhưng cũng để lại nhiều rủi ro khôn lường trong dài hạn như mất giá, lạm phát…

Về lâu dài, IMF khuyến khích Mỹ và Anh nên hướng tới giảm thâm hụt thương mại thay vì làm suy yếu tiền tệ để tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Các nhà kinh tế IMF cũng đề xuất tăng cường đầu tư vào lực lượng lao động chất lượng cao và quản lý chi tiêu hiệu quả.

Với các nước thặng dư thương mại như Đức hay Hàn Quốc, IMF đề xuất đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân, giảm thuế hoặc có chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong dài hạn. 

IMF đồng thời kêu gọi Trung Quốc cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện đầu tư vào khu vực tư nhân, loại bỏ các rào cản thương mại.

Nhìn chung, các quốc gia nên tìm kiếm giải pháp lâu dài và ôn hòa để giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến các vấn đề trợ cấp xuất khẩu hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. “Chính sách tiền tệ không phải yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề” - IMF kết luận.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục