Giá vàng hôm nay 13/5: Vàng thế giới bật tăng, vàng SJC trong nước quay đầu giảm mạnh

13/05/2024 07:40 GMT+7
Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông đã thúc đẩy đà tăng của giá vàng hôm nay trên thế giới. Ngược lại, trong nước, vàng SJC "bốc hơi" từng phút trong phiên cuối tuần.

Giá vàng hôm nay 13/5: Căng thẳng địa chính trị đẩy giá vàng tăng cao

Giá vàng hôm nay trên thế giới mở rộng đà tăng lên gần $2.360 trong giờ giao dịch đầu tiên ở châu Á. Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông đã thúc đẩy dòng chảy trú ẩn an toàn và mang lại lợi thế cho kim loại quý màu vàng. 

Giá vàng hôm nay 13/5: Vàng thế giới bật tăng, vàng SJC trong nước quay đầu giảm mạnh- Ảnh 1.

Cuối tuần này, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chỉ số giá sản xuất (PPI) và Doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ được công bố và có thể đưa ra một số gợi ý về triển vọng kinh tế và quỹ đạo lạm phát. 

Một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra thông điệp diều hâu vào tuần trước. Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic phát biểu bà không mong đợi việc Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2024 là phù hợp, với lý do lạm phát vẫn tăng cao trong vài tháng đầu năm. 

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5 đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan của Mỹ đã giảm xuống 67,4 trong tháng 5 từ mức 77,2 trong tháng 4, thấp hơn mức đồng thuận của thị trường là 76,0. Chỉ số cuối cùng về lạm phát CPI của Mỹ trong tháng 4 dự kiến sẽ giảm xuống 3,4% YoY trong tháng 4 từ mức 3,5% trước đó. 

Dữ liệu nóng hơn dự kiến có thể làm giảm hy vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ và kéo giá vàng xuống thấp hơn. 

Mặt khác, quân đội Israel tuyên bố họ đã tiến hành các hoạt động quân sự ở phía bắc Gaza trong đêm và "các hoạt động chính xác" nhằm vào phía đông, gần biên giới Rafah, cũng như ở khu phố Zeitoun, trung tâm Gaza. Rafah đã có những đòn phản công đầu tiên trước sự tấn công của Israel. Căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông đã góp phần tác động khiến giá vàng, một tài sản trú ẩn an toàn truyền thống tăng lên.

Giá vàng hôm nay trong nước 13/5: Quay đầu giảm mạnh

Cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC đã quay đầu giảm mạnh so với phiên trước, có nơi chênh lệch gần 4 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn đánh dấu một tuần tăng đột biến. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường kết tuần đứng quanh mức 88,8 – 91,3 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Giá vàng hôm nay 13/5: Vàng thế giới bật tăng, vàng SJC trong nước quay đầu giảm mạnh- Ảnh 2.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, niêm yết 88,8 – 91,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với hôm qua, giá vàng SJC tại đây không có sự điều chỉnh tăng giảm. Mức giá này cũng bằng với giá niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sáng nay niêm yết ở mức 86 – 87,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,5 triệu đồng/lượng. Mức giá này cũng chênh lệch so với PNJ và SJC khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Tại Bảo tín Minh Châu, nhà vàng này điều chỉnh giảm tới 900.000 đồng/lượng chiều bán, 800.000/lượng chiều mua so với cùng thời điểm sáng qua, đưa giá SJC niêm yết ở ngưỡng 87 – 89,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Giá vàng nhẫn hôm qua cơ bản giữ giá so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 75,43 – 76,93 triệu đồng/lượng (mua – bán), giữ giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 75,95 – 77,45 triệu đồng/lượng, giữ giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước Chênh lệch mua – bán ở mức 1,5 triệu đồng/lượng.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Đồng thời, cần khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5, không để chậm trễ hơn nữa.

Ngọc Hải
Cùng chuyên mục