Chiến sự Nga-Ukraine: Lính dù tinh nhuệ của Nga chỉ là "hổ giấy"?

Minh Nhật (theo BI) Thứ hai, ngày 04/04/2022 19:01 PM (GMT+7)
Lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ của Nga - VDV - (hay còn gọi là lính dù) được cho là đang phải vật lộn trong cuộc chiến ở Ukraine, nơi giao tranh đã gây thiệt hại lớn về nhân mạng và làm tổn hại đến danh tiếng của đơn vị này, theo Business Insider.
Bình luận 0

Thất bại ở Ukraine cho thấy VDV Nga chỉ là "hổ giấy"?

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy lính dù Nga chỉ là "hổ giấy"? - Ảnh 1.

Những thất bại đáng kể ở Ukraine được cho là đã làm giảm uy thế "tinh nhuệ" của lực lượng lính dù Nga. Ảnh BI.

Những diễn biến cho đến nay liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đã giảm uy tín của quân đội Nga một cách nghiêm trọng.

Mặc dù có lợi thế về chất và lượng, nhưng các quan chức và giới phân tích phương Tây cho rằng, người Nga đã không đạt được các mục tiêu chính của mình. Điều đó đã buộc Điện Kremlin gần đây phải lùi bước và thay đổi các mục tiêu chiến lược của mình trong cuộc chiến.

Lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ của quân đội Nga, VDV vốn được xem là lực lượng "nòng cốt" trong chiến dịch quân sự đặc biệt được Tổng thống Putin công bố vào ngày 24/2. Tuy nhiên, đến nay, lính dù Nga được cho là đã hứng tổn thất nặng nề trong một số thất bại gây bất ngờ trong chiến dịch.

Theo Business Insider, một đơn vị trong VDV, Trung đoàn Nhảy dù Cận vệ 331, đơn vị tinh nhuệ theo đúng nghĩa đen đã chịu tổn thất nặng nề ở Ukraine, trong đó, chỉ huy của Trung đoàn này là Đại tá Sergei Sukharev được cho là đã tử trận vào giữa tháng Ba.

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy lính dù Nga chỉ là "hổ giấy"? - Ảnh 2.

Lính dù Nga tại sân bay Hostomel ở Ukraine ngày 12/3 năm 2022. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga/Mil.ru

Kế hoạch của Nga ở Ukraine ban đầu tập trung vào các yếu tố như tốc độ, bất ngờ và dữ dội để nhanh chóng giành ưu thế và đè bẹp các lực lượng Ukraine. Phương Tây phỏng đoán Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cố vấn của ông đã phác thảo ra một cuộc chiến kéo dài 48-72 giờ nhằm chiếm các trung tâm đô thị quan trọng của Ukraine, bao gồm cả Kiev, và lật đổ chính phủ Ukraine.

Lực lượng dù tinh nhuệ rõ ràng là đội quân lý tưởng để thực hiện nhiệm vụ như vậy, vì họ được huấn luyện và trang bị để chiến đấu "thiện chiến, tốc độ, bất ngờ và quyết liệt". Các chỉ huy quân đội Nga đương nhiên yêu cầu lực lượng dù VDV đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Một trong những mục tiêu chính của Nga trong những giờ đầu của cuộc chiến là sân bay Antonov gần thị trấn Hostomel của Ukraine, cách Kiev khoảng 20 km. Lực lượng lính dù VDV đã tiến hành một cuộc đột kích vào sân bay bằng cách sử dụng khoảng 30 trực thăng.

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy lính dù Nga chỉ là "hổ giấy"? - Ảnh 3.

Lính dù Nga trên xe bọc thép tại một trạm kiểm soát ở vùng KIev tháng 3 năm 2022. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga / Mil.ru

Lúc đầu, họ có thể chiếm được nó, nhưng đó là một chiến thắng ngắn ngủi. Sau đó, Ukraine đã tiến hành phản công, sử dụng các lực lượng đặc nhiệm và quân đội thông thường để chiếm lại sân bay chiến lược này.

Trong cuộc tấn công Hostomel, có vẻ như lực lượng VDV của Nga đã thất bại để mở rộng đường không. Họ bị mắc kẹt tại sân bay và không thể thoát ra cũng không thể ngăn các lực lượng Ukraine đến gần đường băng.

Hơn nữa, các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đoán trước được nỗ lực của Nga nhằm chiếm lấy sân bay chiến lược này nên đã đặt các chướng ngại vật, chẳng hạn như xe buýt, máy kéo trên đường băng để ngăn chặn máy bay vận tải của Nga đáp xuống.

Các chỉ huy Nga cũng thất bại trong nỗ lực tăng cường lực lượng lính dù trên bộ thông qua các trực thăng bổ sung.

Lực lượng VDV Nga - được nhận dạng bằng các dấu "V" trên xe của họ, được cho là còn hứng một số thất bại khác, chịu tổn thất nặng nề trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.

Trong một trường hợp vào đầu tháng 3, toàn bộ một đoàn xe tuần tra cơ giới hóa của VDV thậm chí bị phục kích và tiêu diệt ở ngoại ô Irpin của Kiev.

Trung đoàn Nhảy dù Cận vệ 331 đã tham gia chiến đấu xung quanh Kiev và ước tính tổn thất khoảng 39 quân nhân, theo BBC, trong khi cư dân địa phương nơi đơn vị này đóng "đại bản doanh" thậm chí đưa ra con số tổn thất là 100 lính dù.

Sự khác biệt giữa lính dù Nga và Mỹ

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy lính dù Nga chỉ là "hổ giấy"? - Ảnh 4.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tư lệnh Lực lượng Dù Vladimir Shamanov, thứ ba từ phải sang, gặp gỡ các lính dù ở Novorossiysk, Nga, ngày 14/7/2009. Ảnh Getty

VDV mặc đồng phục sọc trắng và xanh của quân đội và đội mũ nồi màu xanh vốn là một tổ chức tinh nhuệ trong lực lượng vũ trang Nga.

Đây là một nhánh khác của quân đội Nga và được coi là lực lượng dự bị chiến lược của Moscow. Khi một diễn biến bất thường xuất hiện, VDV lập tức điều điều động tới đó. Trong cuộc biến động gần đây ở Kazakhstan, VDV là một trong những lực lượng đầu tiên của Nga được cử đến đây và hoạt động như những gì Moscow gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình.

Quy mô và vai trò của VDV Nga khiến họ khác biệt với các đơn vị đổ bộ đường không của Mỹ và phương Tây khác.

Năm 2015, chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không của Nga, Tướng Vladimir Shamanov tuyên bố, VDV sẽ tăng lên 60.000 lính dù trong những năm tới. Các lực lượng đồ sộ này được chia thành nhiều sư đoàn và lữ đoàn.

Trong khi đó, Sư đoàn Dù số 82 của Quân đội Mỹ có ít hơn 20.000 lính dù. Sư đoàn Dù 82 là đơn vị lính dù chuyên dụng duy nhất của quân đội Mỹ, mặc dù một số đơn vị khác, như Trung đoàn 75 Biệt động quân của Lục quân Mỹ cũng tiến hành các hoạt động đổ bộ đường không.

Một binh sĩ Lực lượng Đặc nhiệm của quân đội Mỹ giúp một lính dù Nga nhảy dù trước cuộc tập trận chung ở Bosnia và Herzegovina, ngày 28/9/1998. Ảnh US Army/Spc. Michelle Labriel

Vai trò về mặt lý thuyết của lực lượng đổ bộ đường không của Nga cũng khác biệt so với các lực lượng đổ bộ đường không của Mỹ. Cả hai đội hình đều là lực lượng phản ứng nhanh được thiết kế để tấn công nhanh và đánh chiếm các mục tiêu then chốt, nhưng lực lượng VDV của Nga được cơ giới hóa nhiều hơn so với các đơn vị đổ bộ đường không của Mỹ.

Các đơn vị VDV của Nga được trang bị cả xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân, và họ thường xuyên sử dụng chúng. Trong cuộc chiến ở Ukraine, VDV được cho là đã bị mất xe tăng T-72B và xe chiến đấu bộ binh BMD-2, cùng các phương tiện khác.

Lính dù Mỹ cũng được cơ giới hóa nhưng không bằng Nga. Lính dù Mỹ chỉ được trang bị LAV-25, một loại xe chiến đấu bộ binh bọc thép chạy mọi địa hình - quá ít khi so với những gì các đối thủ Nga của họ sở hữu.

Các đơn vị VDV của Nga cũng được thiết kế để độc lập hơn so với phương Tây.

Ví dụ, trong một cuộc xung đột truyền thống, sau khi chiếm được một mục tiêu, Sư đoàn Dù số 82 của Mỹ sẽ dựa vào lực lượng tiếp viện trên bộ được cơ giới hóa khác để kết thúc cuộc bao vây. Nhưng do VDV Nga có khả năng cơ giới hóa đáng kể, họ sẽ không cần dựa vào các đơn vị khác để "thu dọn và rời đi" sau khi nắm chiếm được mục tiêu của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem