Cuộc gặp đầu tiên ở vùng lạnh giá Alaska báo hiệu quan hệ Mỹ Trung khó êm ả
Dù Washington và Bắc Kinh đã ngừng các hành vi trả đũa thương mại sau khi hai nước ký kết thỏa thuận Mỹ Trung hồi năm ngoái, nhưng cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao ở Alaska gần đây vẫn cho thấy chính quyền Tân Tổng thống Biden không có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn giọng điệu cứng rắn của chính quyền Trump trong các cuộc thảo luận với Bắc Kinh.
Quan điểm cạnh tranh đã được phản ánh đầy đủ trong phiên thảo luận hôm thứ Năm tuần này, khi hai bên bắt đầu màn chỉ trích song phương, cáo buộc lẫn nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu phát biểu của mình bằng lưu ý rằng nước Mỹ sẽ nêu bật “mối quan ngại sâu sắc của họ đối với các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ và cả những hành vi cưỡng bức kinh tế với các đồng minh Mỹ”.
Đáp lại, ông Dương Khiết Trì, Giám đốc Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định Mỹ “không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ một vị thế áp đảo hơn”...
Mặc dù các cuộc đàm phán mang ý nghĩa thảo luận ngoại giao nhiều hơn là kinh tế, nhưng những thách thức ban đầu có thể vẽ nên một viễn cảnh đáng quan ngại về các trận chiến sắp tới của đội ngũ thương mại chính quyền Biden.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba của Mỹ với 558,1 tỷ USD tổng kim ngạch thương mại (hai chiều) trong năm 2019, theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ. Khối lượng giao dịch khổng lồ này tạo ra tới 911.000 việc làm tại Mỹ tính đến năm 2015, với 601.000 công việc từ xuất khẩu hàng hóa và 309.000 công việc từ xuất khẩu dịch vụ.
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông dân Mỹ và thương mại hàng năm các mặt hàng nông sản đạt tổng giá trị 14 tỷ USD vào năm 2019, thời điểm cuộc chiến thương mại chưa bắt đầu. Trung Quốc là nhà cung cấp nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ.
Clete Willems, một cựu quan chức giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới trả lời tờ CNBC hôm thứ Sáu rằng ông không ngạc nhiên về những vướng mắc giữa hai bên trong cuộc gặp gỡ trực tiếp tại Alaska cuối tuần qua. Vị này cho hay cuộc thảo luận là cơ hội để chính thức để hai bên đưa ra các khiếu nại về nhau chứ không phải là một nỗ lực thực tế để khắc phục kinh tế. “Tôi đã không kỳ vọng quá lớn (vào cuộc gặp gỡ ở Alaska).”
“Tôi nghĩ rằng (chính phủ Trung Quốc) đã hiểu sai tình huống mà chính quyền Biden đang đối mặt, và họ nghĩ sẽ cử phái đoàn ngoại giao đến để lật lại tất cả các biện pháp trừng phạt của Trump. Nhưng lúc này, tôi nghĩ họ đang phát hiện ra rằng điều đó sẽ không xảy ra”.
Các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt thương mại mà còn là cơ hội để chính quyền Biden khẳng định đường lối bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và tăng cường khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng.
Vài tuần trước cuộc thảo luận ở Alaska, chính quyền Biden đã soạn thảo một lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan chính phủ xem xét các chuỗi cung ứng chính, bao gồm các chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn, pin dung lượng cao, vật tư y tế và kim loại đất hiếm. Mặc dù sắc lệnh của Biden không đề cập đích danh Trung Quốc, nhưng đã chỉ đạo các cơ quan xem xét lỗ hổng trong hàng hóa sản xuất trong nước với chuỗi cung ứng bị chi phối hoặc điều hành thông qua “các quốc gia đang hoặc có khả năng trở nên không thân thiện hoặc còn nhiều bất ổn (ám chỉ Trung Quốc)”.
“Chính quyền Biden đã báo hiệu rằng xuống nước trong vấn đề thương mại không phải là quan điểm của họ và họ sẽ không hạ thấp giọng điệu cũng như quan điểm về an ninh quốc gia để có được một mối quan hệ thương mại ‘tốt đẹp’ (với Trung Quốc)” - trích lời Dewardric McNeal, một nhà phân tích chính sách thời cựu Tổng thống Obama tại Bộ Quốc phòng.
Các nhà đàm phán Trung Quốc, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, có thể đã hy vọng vào sự tiếp đón nồng nhiệt hơn từ Ngoại trưởng Blinken sau bốn năm quan hệ Mỹ Trung đầy biến động dưới thời cựu Tổng thống Trump và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. Chính quyền Trump khi đó đã áp thuế quan lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để giải quyết các cáo buộc cạnh tranh thương mại không lành mạnh của Bắc Kinh như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Các cuộc đàm phán với Bắc Kinh có thể sẽ chứng tỏ ưu tiên hàng đầu của Tân Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, một nhà phê bình lâu năm về các vấn đề Trung Quốc.
“Bà ấy biết cách cứng rắn với Trung Quốc và bà ấy cũng biết cách phối hợp với các đồng minh khác” - Ông Willems, người trước đây từng đại diện cho Mỹ trong các tranh chấp trước WTO cùng với bà Tai cho hay. “Ta có một chính quyền với một Ngoại trưởng rất mạnh mẽ (trong vấn đề Trung Quốc), các cố vấn an ninh cứng rắn, và cả những người thân cận hay chiếm nhiều ảnh hưởng trong chính sách của Mỹ nói chung”.