Cước vận tải biển giảm, sản lượng hàng hóa tăng trưởng ra sao?

17/08/2024 07:19 GMT+7
Cục Hàng hải Việt Nam vừa cho biết, giá cước vận tải biển đã bắt đầu giảm dần từ đầu tháng 7/2024, mức giá giảm bằng 44% so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm trong lịch sử đại dịch Covid-19.

Cục Hàng hải Việt Nam đã so sánh mức giảm với cùng kỳ tháng trước, đến trung tuần tháng 8, giá cước đã giảm trên tất cả các tuyến, mạnh nhất là trên tuyến Châu Á đi bờ tây nước Mỹ, tuyến Châu Âu (giảm khoảng 20 - 30%). Mức giá trên các tuyến vận tải khác cũng giảm khoảng từ 15 - 25%.

"Hiện tại, mức giá giảm bằng 44% so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm trong lịch sử đại dịch (tháng 9/2021) và dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới", lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết.

Cược vận tải biển giảm, sản lượng hàng hóa tăng trưởng ra sao?- Ảnh 1.

Thị trường hàng hoá tăng cao khi cước vận tải biển giảm.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trung bình mỗi tuần, giá cước giảm khoảng 3 - 4% so với tuần trước đó. Dự báo trong thời gian tới, giá cước tiếp tục giảm do một số các tác động tích cực từ thị trường và hiện tượng tắc nghẽn tại một số cảng lớn đã không còn xảy ra.

"Trong khi giá cước vận tải đang trên đà giảm, sản lượng hàng hóa cũng có dấu hiệu tăng trưởng", Cục Hàng hải thông tin.

Theo thống kê, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 500 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng container đạt 16,9 triệu Teu, tăng 21%, container xuất nhập khẩu đạt 10,8 triệu Teu, tăng 16,6%.

Riêng khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sản lượng container xuất nhập khẩu trong 7 tháng đạt 3,329 triệu Teu, tăng 38,4% so với 2023. Khu vực cảng Lạch Huyện cũng tăng trưởng sản lượng hàng container, đạt 954,84 nghìn TEUS, tăng 53%.

Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải, đưa tới nhiều thuận lợi cho khách hàng, giảm chi phí vận tải, thuận lợi trong việc đặt chỗ, mang lại hiệu quả kinh doanh của chủ hàng.

Trước đó, từ đầu năm 2024 đến nay, giá cước vận tải hàng hóa container xuất nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là các tuyến vận tải biển xa.

Theo đặc thù vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp đặt chỗ và ký hợp đồng vận tải từ chủ hàng Việt Nam chỉ chiếm 10% với hàng đi Châu Mỹ và 20% với hàng đi Châu Âu.

Khách hàng Việt Nam thường theo hình thức mua CIF bán FOB (giao nhận hàng tại cầu cảng Việt Nam), nên việc ký hợp đồng vận tải và trả giá cước vận tải thường do đối tác nước ngoài đảm nhận (khoảng 80-90%).

Chủ hàng Việt Nam ký kết hợp đồng vận tải dài hạn với hãng tàu thường là các công ty lớn, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ổn định. Các hợp đồng vận tải dài hạn không bị tác động bởi biến động giá thị trường, giá cước sẽ được giữ ổn định trong suốt thời gian hợp đồng còn hiệu lực.

Thế Anh
Cùng chuyên mục