Cựu binh tàu không số Lê Văn Nhược: Tôi nợ vợ một lần lên xe hoa

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 22/10/2021 06:51 AM (GMT+7)
Những năm tháng làm nhiệm vụ trong đội hình Đoàn tàu không số, số lần ông Lê Văn Nhược về thăm nhà đếm trên đầu ngón tay. Ngày trở về, cậu con trai nhất quyết không nhận cha, chỉ gọi là “chú bộ đội”…
Bình luận 0

Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngày 23/10/1961, Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân) được thành lập, chính thức mở đường vận chuyển chiến lược trên biển, chi viện cán bộ, vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường xa - là một sáng tạo độc đáo, thể hiện tầm nhìn chiến lược cùng tài thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo tối cao của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Cựu binh tàu không số Lê Văn Nhược: Tôi nợ vợ một lần lên xe hoa - Ảnh 1.

Tàu không số của Hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Hoãn cưới để xung trận

Trong hội tàu không số Hà Nội, ông Lê Văn Nhược là người nhiều tuổi nhất, cũng là thuỷ thủ kỳ cựu nhất.

Đến thăm ông tại một ngôi nhà nhỏ trong con ngõ thuộc phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, tôi được ông cho xem những bức ảnh và kể về những năm tháng làm nhiệm vụ trong đội hình Đoàn tàu không số.

Cựu binh tàu không số Lê Văn Nhược: Tôi nợ vợ một lần lên xe hoa - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Lê Văn Nhược. (Ảnh: Quỳnh Nguyễn)

Sinh năm 1937, tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa nhưng phần lớn cuộc đời ông Lê Văn Nhược lại gắn bó với mảnh đất Thủ đô. Năm 1959, ông được cử ra Hà Nội học tại Trường Trung cấp Thương nghiệp.

Chúng tôi nên duyên vợ chồng mà không có đám cưới. Kể từ đó đến nay, tôi vẫn nợ vợ một lần lên xe hoa...

Cựu chiến binh Lê Văn Nhược, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển TP.Hà Nội

Tháng 4/1963, Lê Văn Nhược đang có việc làm ổn định ở Phòng Kế hoạch, Sở Thương nghiệp Hà Nội, nhưng vẫn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 (Cục Hải quân).

Sau 4 tháng huấn luyện, Lê Văn Nhược được cấp trên cử đi học lớp lái tàu ở Cửa Hội (Nghệ An). Hoàn thành khóa học lái tàu, chiến sĩ Lê Văn Nhược được cấp trên điều động về Tàu 181, Phân đội 7, đóng quân ở gần sông Gianh thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Sau một thời gian làm quen, huấn luyện thực tế trên tàu, binh nhất Lê Văn Nhược được bổ sung vào đội hình của đơn vị tham gia chiến đấu...

Ông Nhược cho tôi xem tờ giấy đăng ký kết hôn đã ố vàng, mặt sau có ghi dòng chữ của Tổ giải quyết: "Vấn đề này không phải nhiệm vụ của chúng ta, nhưng hoàn cảnh quá cần ta có thể giải quyết ngay, ngày 14/2/1965, phía dưới ghi tiếp "10 gói chè Hồng Đào, 10 bao Thủ đô".

Ông kể, tháng 2/1965, ông khi ấy là hạ sĩ, được cấp trên điều động bổ sung biên chế về Tàu 132 do thiếu úy Nguyễn Thanh Trầm là thuyền trưởng. Sau lần vận chuyển thành công vũ khí, trang bị từ Hải Phòng vào Cà Mau, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Trầm đề nghị cấp trên cho lái tàu Lê Văn Nhược nghỉ mấy ngày.

"Thấy thuyền trưởng thông báo được nghỉ để về Hà Nội cưới vợ, tôi mừng rơi nước mắt. Ngày 13/12/1965, tôi cùng vợ chưa cưới Đặng Thị Ngọc Thảo đi đăng ký kết hôn tập thể tại Đống Đa, Hà Nội cùng 10 cặp vợ chồng khác; mỗi đôi vợ chồng đăng ký được duyệt mua của cửa hàng mậu dịch quốc doanh 5 bao thuốc lá Sông Cầu. Cầm tờ giấy đăng ký kết hôn, trong trang phục lính hải quân, tôi ra Bách hoá số 5 Nam Bộ mua trà, thuốc để tổ chức đám cưới.

Tuy nhiên, chưa kịp tổ chức đám cưới thì tôi nhận được điện khẩn phải trở lại đơn vị ngay để nhận nhiệm vụ. 14 giờ hôm sau (14/12/1965), vợ tôi ngậm ngùi tiễn chồng ra Ga Hàng Cỏ. Chúng tôi nên duyên vợ chồng mà không có đám cưới. Kể từ đó đến nay, tôi vẫn nợ vợ một lần lên xe hoa", ông bộc bạch.

Cựu binh tàu không số Lê Văn Nhược: Tôi nợ vợ một lần lên xe hoa - Ảnh 4.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển TP.Hà Nội, tháng 5/2008; ông Lê Văn Nhược ngồi hàng dưới, bìa trái. (Ảnh: NVCC)

Chuyến đi nối tiếp chuyến đi, cuối năm 1968 đầu năm 1969 tàu về cảng K20 để sửa chữa. Người vợ trẻ ở nhà đằng đẵng 4 năm xa cách mới có dịp gặp lại chồng. Khi bà Thảo xuống thăm ông tại bến K20, vì điều kiện đơn vị chiến đấu, hoạt động bí mật, không có nơi ăn, ở riêng nên 2 vợ chồng ông được đơn vị bố trí một căn phòng "hạnh phúc" ở gần khu cảng K20. Cột nhà làm bằng cành phi lao, lá dừa nước vây xung quanh làm tường, vỏ hòm đạn thì làm dát giường.

Tối hôm đó, cán bộ, thủy thủ Tàu 67 lên chúc mừng hạnh phúc, lời ca, tiếng hát cất lên cùng với rượu chanh (rượu được đồng đội pha chế từ cồn thực phẩm, đường, vitamin C). 4 năm xa cách chỉ có 3 ngày được gặp nhau. Cô con gái tên Hải Yến là kết quả của chuyến thăm chồng năm ấy của bà Thảo.

"Giờ nghĩ lại tôi càng thấy trân trọng bà nhà tôi, 4 lần vợ chửa đẻ tôi không biết gì vì tập trung làm nhiệm vụ. Kết thúc công tác bí mật, ngày tôi trở về thì thằng con trai lên 6 tuổi ngơ ngác nhìn, không biết tôi là ai. Tôi nói: "Bố đây", nó nhất quyết không nhận, chỉ một mực gọi là "chú bộ đội…", ông Nhược cười, thuật lại những năm tháng đó mà khoé mắt rưng rưng.

Cựu binh tàu không số Lê Văn Nhược: Tôi nợ vợ một lần lên xe hoa - Ảnh 5.

Vợ chồng ông Lê Văn Nhược trong ngày gặp lại năm 1969. (Ảnh: NVCC)

Những "món nợ" chưa trả

Ông Lê Văn Nhược kể về sự hình thành con đường Hồ Chí Minh trên biển, về những chuyến tàu không số mà ông cùng đồng đội tham gia một cách say sưa, đầy cảm động.

Tháng 1/1965, chuyến đi đầu tiên của ông Nhược vượt đường Hồ Chí Minh trên biển xuất phát từ Hải Phòng vào đến Trà Vinh. Con tàu mang số hiệu 132 do ông làm tàu trưởng vận chuyển vũ khí đã cập bến tại Trà Vinh và trở ra miền Bắc an toàn.

Sau đó ông Nhược đã cùng đồng đội tham gia rất nhiều chuyến đi khác, những chuyến tàu không số huyền thoại vượt biển chi viện hàng trăm tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Theo ông Nhược, gọi là tàu không số không phải vì không có số. Mỗi tàu đều có số hiệu riêng, nhưng trong quá trình di chuyển từ Bắc vào Nam, tàu đến khu vực biển của tỉnh nào sẽ gắn số hiệu của tỉnh đó để tránh bị địch nghi ngờ, phát hiện. Ngoài ra, vì là hoạt động tuyệt đối bí mật nên tất cả các vật dụng trên tàu như bánh xà phòng, điếu thuốc lá đều trắng tinh, không in ấn hay có ký hiệu gì.

Bước chân lên tàu không số là xác định hy sinh bất cứ lúc nào, thậm chí nhiều trường hợp phải chấp nhận cảm tử, lao thẳng vào tàu địch cho nổ.

Cựu chiến binh Lê Văn Nhược, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển TP.Hà Nội

Do hoạt động bí mật trên biển, dễ bị phát hiện, những chuyến tàu không số thường được ngụy trang rồi nhằm lúc sóng to gió lớn ra khơi để tránh sự phát hiện của rađa địch…

Ông Nhược kể lại trong xúc động: "Tết Mậu Thân 1968, bốn chiếc tàu không số chuyển vũ khí vào miền Nam trong đó có tàu mang số hiệu 165 do thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm chỉ huy. Chiến sỹ Nguyễn Văn Dựng (Thái Bình) là một trong số những người tham gia đi trên tàu đó. Trước khi lên tàu, anh Dựng vui vẻ khoe với tôi là mới nhận được lá thư của gia đình, báo tin vợ anh mới sinh con. Anh Dựng hẹn ngày về sẽ mời tôi đến nhà để liên hoan".

Tuy nhiên rạng sáng 29/2 khi tàu còn cách cảng Cà Mau khoảng 20 hải lý thì bị 8 tàu địch bao vây, tấn công. Không còn cách nào khác, để bảo đảm bí mật và không để vũ khí rơi vào tay địch, Tàu 165 tự hủy, thợ máy Trần Văn Dựng cùng 18 thành viên trên tàu đều hy sinh.

Kết thúc chiến tranh, ông Nhược đã nhiều lần liên lạc, tìm kiếm lại gia đình của người đồng đội. "Nhiều năm ròng rã, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển cách đây 10 năm, tôi gặp được con gái của liệt sĩ Trần Văn Dựng là Trần Thị Ngân và cùng cháu về quê thắp hương cho đồng đội. Tuy tôi đã gặp vợ con của anh Dựng, nhưng lời đã hẹn với bạn không bao giờ thực hiện được!".

Cựu binh tàu không số Lê Văn Nhược: Tôi nợ vợ một lần lên xe hoa - Ảnh 7.

Ông Lê Văn Nhược không giấu nổi xúc động khi nhắc tới đồng đội đã hi sinh. (Ảnh: Quỳnh Nguyễn)

"Bước chân lên tàu không số là xác định hy sinh bất cứ lúc nào, thậm chí nhiều trường hợp phải chấp nhận cảm tử, lao thẳng vào tàu địch cho nổ", ông Nhược nói. Vì vậy tất cả các chiến sỹ trên tàu không số đều có một tinh thần chiến đấu quả cảm, không lùi bước và chấp nhận hy sinh cả tính mạng trên biển để có thể đảm bảo bí mật cho cả tuyến đường vận chuyển cũng như an toàn cho số vũ khí trên tàu. Trong đêm tối mù mịt, sóng nghiêng ngả, nhiều khi ông phải căng mắt ra nhìn hải đồ để bẻ lái cho đúng hướng. Say sóng triền miên, ăn lương khô ngày này qua ngày khác vì sóng lớn không thể nấu cơm.

Khó khăn gian khổ là vậy, sự hy sinh là thế, vậy mà các chiến sỹ vẫn không chùn bước. Tính đến đầu năm 1965, đã có hàng ngàn tấn vũ khí được các chiến sỹ tàu không số vận chuyển vào miền Nam thành công mà địch không phát hiện được.

Khi nhắc tới gia đình, các cụ thân sinh, giọng ông Lê Văn Nhược trầm hẳn xuống. Ông nói, đến nay đã ở tuổi gần đất xa trời, ông vẫn day dứt khôn nguôi về lời hứa với mẹ mình, bà Lê Thị Hòe. 

Chuyện xảy ra đầu năm 1964, khi bà Hòe từ quê ra Hải Phòng thăm con, mục đích xin phép đơn vị cho con trai về nhà mấy ngày để cưới vợ. Do công tác bí mật ở Đoàn tàu không số, ông Nhược đành giấu mẹ, chỉ tiết lộ là đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, là lái tàu nên ông không thể vắng mặt. Rồi ông thuyết phục mẹ đợi đến cuối năm, khi kết thúc đợt huấn luyện, ông sẽ về cưới vợ theo ý của bố mẹ.

"Ngay hôm đó tôi đưa mẹ ra ga lên tàu về quê. Tôi đâu biết rằng đó là lần gặp mẹ cuối cùng. Bởi cho đến năm 1976, mẹ mất, vì nhiệm vụ, tôi cũng không thể về chịu tang được. Tôi đã không thể thực hiện lời hứa với mẹ!", giọng ông Nhược ngậm ngùi.

Video: Ông Lê Văn Nhược chia sẻ về tình cảm đồng đội và đọc bài thơ tự sáng tác tặng vợ.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 19/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt thân mật đoàn đại biểu cựu chiến binh đoàn tàu không số tại Phủ Chủ tịch, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2021).

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: Hoàng Thống Nhất)

Cùng ngày, tại TP.Hải Phòng cũng diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc" do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương và TP.Hải Phòng tổ chức.

Các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển rất phong phú nhằm tuyên truyền sâu rộng chiến công và thành tích vẻ vang của Đường Hồ Chí Minh trên biển; tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem