Đại biểu Quốc hội đề nghị tạm dừng Luật Đấu Thầu, Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói "không được"
Đăng đàn giải trình các vấn đề, ý kiến của Đại biểu Quốc hội về Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong lần sửa lần này Chính phủ sẽ chỉnh sửa tổng thể toàn diện luật Quy hoạch này để đảm bảo căn cơ.
Ông Thắng nói thêm: Tại thảo luận Luật Quy hoạch hôm nay, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đề nghị nếu không thì tạm dừng Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch. “Báo cáo với Quốc hội như vậy thì không được. Mình không kiểm soát được mà dừng lại là không ổn, sẽ hỗn loạn ngay”.

Bộ trưởng Tài chính thông tin: Hiện tại, 100% các quốc gia trên thế giới đều có Luật Đấu thầu khi chúng ta đã sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng ngân sách là phải có Luật Đấu thầu, không thể nói bây giờ mình bỏ Luật Đấu thầu hay dừng Luật Đấu thầu được.
Tương tự, ông Thắng nói về đề xuất dừng Luật Quy hoạch: “Có điều gì chưa phù hợp hoặc không phù hợp thì chúng ta phải cầu thị, điều chỉnh, phải xây dựng để có thể thực hiện được, một đất nước thì phải có luật và phải có quy hoạch”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt câu hỏi: Nếu dừng Luật Quy hoạch, Chính phủ có điều hành được không? Các địa phương có triển khai được không?
Trước hết, thay mặt cho Chính phủ, Bộ Tài chính tôi xin được trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã rất tâm huyết và có nhiều đóng góp cho dự thảo luật này. Riêng trong thảo luận tổ chúng ta đã có 63 ý kiến phát biểu và ngày hôm nay, chúng tôi đã được nghe rất nhiều ý kiến phát biểu rất trách nhiệm và tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội liên quan đến sửa đổi Luật Quy hoạch lần này.
Liên quan đến lý do sửa Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Luật Quy hoạch lần này phải gấp rút sửa và thực tế trong kế hoạch của Chính phủ thì Luật Quy hoạch sẽ được sửa đồng bộ và tổng thể trong thời gian tới. Nhưng vừa qua do yêu cầu từ những vấn đề thay đổi về chiến lược, đặc biệt liên quan đến những chủ trương, định hướng và chỉ đạo lớn của đồng chí Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị, của Đảng, Nhà nước cho nên Luật Quy hoạch này chúng ta phải thay đổi, phải sửa ngay lập tức.
“Đặc biệt theo yêu cầu của Kết luận 121 và Kết luận số 127 của Bộ Chính trị về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp”, ông Thắng nêu.
Theo ông Thắng, nếu chúng ta không sửa đợt này thì từ 1/7 các tỉnh sẽ hoạt động theo mô hình mới thì tất cả việc triển khai các dự án ở dưới địa phương không làm được.
Vấn đề này cũng liên quan đến việc triển khai mô hình ở địa phương hai cấp. Bởi nếu theo quy định hiện hành của Luật Quy hoạch hiện hành thì phân phân cấp rất khó khăn, cái gì ở dưới địa phương thay đổi đều phải trình lên trên, đều phải trình Chính phủ và đều phải trình Quốc hội.

Về phân cấp, phân quyền, phải đẩy mạnh để đáp ứng cho việc cho 34 địa phương vận hành, triển khai được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà không bị vướng khi thu hút các doanh nghiệp, các dự án theo tinh thần lần này.
“Chúng ta phân cấp mạnh mẽ và phân quyền tối đa theo định hướng là địa phương quyết, địa phương làm, phương chịu trách nhiệm gắn với triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp”, ông Thắng nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính, một là phân quyền của Quốc hội cho Chính phủ đối với phân vùng lập quy hoạch.
Thứ hai là phân quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia từ Quốc hội sang Chính phủ.
Thứ ba, đó là phân cấp thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, phân cấp cho các Bộ tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh, việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản.