Đại dịch Covid – 19: Ngành dệt may không dễ hồi phục

11/09/2020 16:29 GMT+7
Theo dự báo của Bộ Công Thương, ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, các thị trường lớn của ngành dệt may như Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Do đó, tình trạng khó khăn có thể còn kéo dài.

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất dệt tháng 8 tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ, tính chung 8 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất trang phục tháng 8 tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.

"Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại.

Về tổng cầu dệt may thế giới, bước sang quý III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Đại dịch Covid – 19: Ngành dệt may không dễ hồi phục - Ảnh 1.

Ngành dệt may đang thiếu đơn hàng các tháng cuối năm 2020

Theo nhận định của giới chuyên môn, thông lệ hàng năm, cùng thời điểm, các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.

Một số doanh nghiệp chia sẻ đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 20120 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Nguyên nhân của tình trạng trên là vì nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh.

Đại diện, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, đến nay, chưa thể đưa ra các dự đoán dài hạn nhưng tập đoàn đã tính tới kịch bản có thể giảm 20% doanh thu năm nay.

Cũng theo thông tin từ phía Vinatex đơn hàng cho quý 4 hầu như chưa có, đây là thách thức lớn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của tập đoàn, trong khi đơn hàng khẩu trang đã giảm nhiều về số lượng và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất.

Tương tự, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đầu năm ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức đều giảm so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, Mỹ dẫn đầu về tiêu thụ giày dép Việt Nam với kim ngạch 3,43 tỉ USD chiếm tỉ trọng trên 36% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước và giảm gần 9% so với cùng kì 2019.

Đứng thứ hai Trung Quốc chiếm 12%, đạt 1,14 tỉ USD giảm hơn 19% cùng kì. Các thị trường theo sau gồm Bỉ, Nhật Bản, Đức kim ngạch giảm lần lượt 17% đạt 554 triệu USD, giảm 2% đạt 552 triệu USD, giảm trên 10% đạt 505 triệu USD. Hầu hết xuất khẩu giày dép ra thị trường nước ngoài đều bị sụt giảm. Đan Mạch là thị trường giảm mạnh nhất với gần 64% đạt 6,2 triệu USD.

"Từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực.

Để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm", Bộ Công Thương thông tin thêm.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục