Đại diện JETRO Hà Nội: "Trong dài hạn, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư nhiều triển vọng"
Trong bối cảnh đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam bị sụt giảm, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn với ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này cũng như ghi nhận các khuyến nghị dành cho Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 8/2020 đã bị sụt giảm, vậy ông có thể cho biết đâu là vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải khi đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Ông Takeo Nakajima: Trước hết phải nói rằng, do đại dịch COVID-19 nên hoạt động đầu tư trên toàn cầu bị sụt giảm chứ không phải là hiện tượng của riêng Nhật Bản. Đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam 10 năm trở lại đây liên tục gia tăng. Năm 2010 chỉ có 200 dự án, nhưng từ năm 2017 đến 2019 số dự án đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam đã vượt 600 dự án/năm.
Năm 2017, chúng tôi đã có nhiều dự án liên quan đến năng lượng và trong năm 2018, Nhật Bản cũng đã có một dự án đầu tư lớn là dự án phát triển thành phố thông minh (Smart city). Từ tháng 2/2020, do đại dịch COVID-19 bùng phát nên đầu tư từ Nhật Bản đã sụt giảm mạnh. Từ tháng 1 đến tháng 8, số dự án bao gồm cả các dự án góp vốn mua cổ phần và vốn đầu tư đã lần lượt giảm 23,5% và 29,5%.
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này. Một trong số đó là do kinh tế Nhât Bản suy thoái nên nhiều công ty mẹ ở Nhật Bản rất thận trọng trong việc đầu tư trong và ngoài nước. Theo khảo sát về dự đoán tình hình kinh tế doanh nghiệp trong ngắn hạn của ngân hàng trung ương Nhật Bản hồi tháng 6 năm 2020 thì chỉ số "Dự đoán tình hình kinh tế doanh nghiệp" tương đối xấu ở mức -31 và tới nữa sẽ còn xấu hơn ở mức -34.
Ngoài ra, một nửa đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam (số dự án và vốn đầu tư) là các doanh nghiệp đầu tư mới và chưa có trụ sở tại Việt Nam. Vì vậy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên việc hạn chế đi lại đối với các doanh nghiệp đầu tư mới là điều vô cùng khó khăn. Không chỉ vậy, 65% thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam chính là thị trường quê hương và 15% là thị trường ASEAN. Nhật Bản và ASEAN đều bị ảnh hưởng dịch bệnh, do vậy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam không thể tiến hành mở rộng đầu tư.
GDP của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6 là 1,8%. Mặc dù là tăng trưởng dương, nhưng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng kinh doanh tại đây, thì tình hình này vẫn là một yếu tố đáng lưu ý khiến họ không thể quyết định việc mở rộng đầu tư.
Hy vọng sắp tới nhờ vào hoạt động M&A và góp vốn nên đầu tư mở rộng có thể được hồi phục, tiếp đến sẽ là đầu tư mới. So với các nước lân cận thì tình hình của Việt Nam vẫn khả quan hơn, do vậy hy vọng rằng Việt Nam sẽ vẫn là lựa chọn tốt đối với các doanh nghiệp Nhật Bản có đủ năng lực đầu tư.
Trong dài hạn thì Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư nhiều triển vọng. Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện "Chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng nước ngoài". Trong số 30 doanh nghiệp được lựa chọn hưởng chính sách hỗ trợ này có 15 công ty là các công ty Nhật Bản hiện đang đầu tư tại Việt Nam. Các công ty này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát mới đây của JETRO, 41% doanh nghiệp Nhật Bản (1.460 công ty) đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, tăng 5,5% so với một năm trước đó. Trong khi đó, 36,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết xem xét mở rộng hoạt động tại Thái Lan, và 48,1% nói rằng họ sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Ông có bình luận như thế nào về kết quả khảo sát này?
Ông Takeo Nakajima: Đây là khảo sát dùng bảng câu hỏi đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang có trụ sở chính trong nước. Từ góc độ nhìn nhận của doanh nghiệp mẹ thì việc tiếp tục hoạt động sản xuất và bán hàng tại Trung Quốc rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Trung Quốc với tỷ lệ trả lời "xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh" so với thời điểm 2011 là 68% cho thấy xu hướng này đang giảm, khảo sát lần này cho thấy con số thấp nhất kể từ sau năm 2011.
Mặt khác, với cùng câu hỏi đó đối với Việt Nam tại thời điểm năm 2011 thì tỷ lệ trả lời "xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh" chỉ 20%, tỷ lệ này gia tăng đều hàng năm và khảo sát lần này cho thấy tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay là 41%, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Điều này cho thấy mức độ quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản đang ngày càng gia tăng.
Với Thái Lan thì không có sự thay đổi nhiều. Thái Lan cũng là quốc gia quan trọng, tuy nhiên chỉ duy trì số doanh nghiệp hiện nay cũng có thể nói là chiếm đa số.
Ông có khuyến nghị gì đối với chính phủ Việt Nam để tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút vốn FDI lớn từ Nhật Bản?
Ông Takeo Nakajima: Hiện tại, Việt Nam đang được hưởng lợi từ rất nhiều yếu tố quan trọng. Tôi hy vọng, trong thời gian sắp tới, Việt Nam vẫn có thể duy trì và phát huy được những lợi thế này nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong bối cảnh đại dịch.
Việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch COVID-19 đã phần nào trở thành yếu tố giúp các nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn. Ngay như theo khảo sát của JETRO, nếu so với các nước khác, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh tại Việt nam do ảnh hưởng của dich bệnh là tương đối ít. Ngoài ra, với chi phí sản xuất thấp và là quốc gia mạnh về xuất khẩu thì việc có chuỗi cung ứng đa dạng sẽ là một lợi thế lớn cho Việt Nam.
Có thể nói rằng, Nhật Bản rất kỳ vọng cũng như tin tưởng vào tính tăng trưởng của thị trường tại Việt Nam. Những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài ra, ký kết nhiều FTA sẽ giúp Việt Nam dễ dàng giao thương hơn trong bối cảnh phục hồi kinh tế, một yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, do hạn chế nhập cảnh nên việc doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư mới, khảo sát thị trường hay ký kết hợp đồng là không thể thực hiện được. Vì vậy, Nhật Bản hi vọng trong thời gian tới Việt Nam có thể triển khai các biện pháp nới lỏng nhập cảnh để đẩy nhanh việc đầu tư mới.
Không chỉ vậy, vấn đề thiếu lao động dẫn đến chi phí cho nguồn nhân lực tăng cao cũng trở nên đáng lo ngại. Khảo sát của JETRO những năm gần đây đã cho thấy rằng, yếu tố này cũng là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp Nhật Bản phải đối mặt. Chúng tôi kỳ vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ các vấn đề như đào tạo nguồn nhân lực, bổ sung các trường đại học ngành kỹ thuật, cao đẳng chuyên nghiệp hay cải thiện mạng lưới giao thông, môi trường sống đối với các lao động từ địa phương.
Theo đánh giá của chúng tôi, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ, các nhà cung cấp và ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam vẫn còn non trẻ, chưa phát triển. Để cải thiện các vấn đề này thì Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nhà cung cấp) từ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, đồng thời nuôi dưỡng các doanh nghiệp nội địa thêm lớn mạnh. Đối với việc nuôi dưỡng doanh nghiệp Việt Nam, ngoài nâng cao năng lực kỹ thuật, chất lượng sản phẩm thì cần công khai, minh bạch các thông tin về tài chính doanh nghiệp cũng như thành tích giao dịch thực tế của doanh nghiệp.
Xin ông có thể cho biết thêm về triển vọng đối với chương trình sáng kiến chung Việt - Nhật?
Ông Takeo Nakajima: Hiện tại, chương trình Sáng kiến chung Nhật - Việt đang bước vào giai đoạn 8. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong sự hội nhập và phát triển của nền kinh tế Nhật - Việt.
Theo đó, chúng tôi đã nêu ra các dự án cụ thể trong phạm vi rộng, thảo luận các vấn đề trong cả một năm, sau đó tổng hợp báo cáo kết quả tiến độ với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Qua đây có thể thấy rõ ngay điều gì đã tiến triển tốt và điều gì chưa tiến triển, coi đó là "nơi để đối thoại, tạo ra thành quả".
Nhờ sự hợp tác giữa Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) mà tiếng nói của các doanh nghiệp đã được phản ánh một cách rộng rãi. Điều này giúp cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường tính minh bạch liên quan đến đầu tư đối với các doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Việc có một kênh đối thoại để nêu ra các vấn đề phát sinh là rất quan trọng.
Đối với cả Việt Nam và Nhật Bản thì đây là một chương trình đối thoại đóng góp cho việc thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. So với các nước lân cận thì đây chắc chắn là điểm thuận lợi của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!