Đại doanh nghiệp Mỹ đau đầu chuyển hướng chuỗi cung ứng vì dịch corona

04/03/2020 11:20 GMT+7
Bùng nổ dịch virus corona đang khiến chuỗi cung ứng Mỹ ngưng trệ, với số lượng tàu chở hàng giảm 20% trong quý đầu 2020, trong bối cảnh kinh tế Mỹ vốn có kết nối mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu.

Các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu năm 2020 với tâm thế vui mừng trước dấu hiệu giảm nhiệt của thương chiến Mỹ- Trung, nhưng giờ đang phải vật lộn với thực trạng chuỗi cung ứng hàng hóa ngừng trệ vì dịch virus corona. Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc khi ngày càng có nhiều ca phơi nhiễm mới khắp nơi trên thế giới. Myron Brilliant, chuyên gia từ Phòng Thương mại Mỹ cho hay cơ quan này hiện đang theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của virus corona với chuỗi cung ứng và tiến trình giao thương thông qua liên lạc của các doanh nghiệp với Trung Quốc, nơi có rất nhiều nhà máy đang hoạt động với công suất rất thấp.

Các chuyên gia kinh tế từ Bain and Company nói rằng sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau vụ dịch đang ngày càng trở thành viễn cảnh xa vời, với tác động của dịch bệnh đang ngày càng lan đến những khu công nghiệp ở các quốc gia khác. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng ở Hàn Quốc cũng đồng thời góp phần tăng thêm quá trình gián đoạn cung ứng. Số lượng tàu chở hàng đến Mỹ được ước tính giảm 20% vào quý đầu tiên và có thể dẫn đến thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Theo công ty số liệu thương mại Panjiva, các bến cảng miền tây nước Mỹ đặc biệt chịu tác động nặng nề hơn cả. Số lượng tàu chở hàng đã giảm hơn 5% vào tháng Một ở cảng Los Angeles, cũng là bến cảng sầm uất nhất nước này. Chuyên gia dự đoán con số này sẽ xuống đến mức 25% vào tháng Hai.

Đại doanh nghiệp Mỹ đau đầu chuyển hướng chuỗi cung ứng khi dịch virus corona làm ngừng trệ kinh tế  - Ảnh 1.

Dịch virus corona lan rộng trên toàn cầu đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ

Hệ quả với quá trình vận chuyển hàng hóa hiện tệ hơn so với những gì giới chuyên gia dự đoán trước đó hay thậm chí thời kỳ dịch Sars vào 20 năm trước. Gián đoạn sản xuất kéo dài ở Trung Quốc có thể kéo theo gián đoạn cung ứng toàn cầu, theo chuyên gia phân tích ở City, thậm chí các doanh nhân hàng đầu như CEO Apple Tim Cook cũng nhấn mạnh rằng năng suất ở các nhà máy ở Trung Quốc hiện nay mới chỉ bắt đầu vào guồng. Các nhà máy này liên đới nhiều đến chuỗi cung ứng xe hơi và ngành điện tử, nhưng gián đoạn sản xuất hiện đã lan ra mọi hạng mục kinh tế cũng như tác động xấu đến nhiều công ty, từ hãng bán lẻ dụng cụ điện tử Best Buy, cho đến nhãn hiệu giày dép Crocs. Các nhà sản xuất xe hơi như Nissan hay Fiat Chrysler cũng đang gặp khó khăn về gián đoạn cung ứng. Trong khi đó một số công ty như John Deere – nhà sản xuất dụng cụ nông nghiệp, gặp khó khăn về giá vận chuyển tăng nhanh.

Hãng thời trang Columbia Sportswear, công ty chuyên sản xuất áo khoác và giày bốt đi mưa, cũng thông báo về khả năng lợi nhuận chịu ảnh hưởng rất xấu trong năm nay khi các nhà máy hợp đồng của họ gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm vật liệu thô và sản xuất cũng như giao hàng đúng thời hạn. Công ty sản xuất ghế ngồi xe hơi Adient, dự đoán sản lượng giảm 70% vào tháng Hai và 40% vào tháng Ba so với dự đoán trước đó. Khủng hoảng dịch bệnh ở Vũ Hán đến sau hơn 2 năm căng thẳng thương chiến Mỹ- Trung, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ xem xét lại sự lệ thuộc của mình vào quá trình sản xuất ở Trung Quốc.

Michael Fleisher, giám đốc tài chính công ty thương mại Wayfair cho rằng ngành công nghiệp nước này vốn đã bị áp dụng thuế từ Trung Quốc và dần tìm kiếm nguồn cung ứng khác bên cạnh Trung Quốc, hiện nay chỉ hơn 50% nguồn cung cấp các doanh nghiệp Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc, và bất cứ sản phẩm nào cũng sẽ có những phiên bản được sản xuất ở các quốc gia khác. Bùng nổ dịch virus corona góp phần tăng mức cảnh giới và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nguồn cung ứng, vốn đã được khơi mào từ thương chiến Mỹ - Trung. Google và Microsoft là hai công ty lớn đang tìm kiếm địa điểm sản xuất mới.

Jeffrey Witherell, giám đốc quỹ đầu tư bất động sản Công nghiệp Plymouth bày tỏ hy vọng khủng hoảng này có thể thúc đẩy nhiều công ty Mỹ nghĩ đến chuyện chuyển các nhà máy đến gần Mỹ hơn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là hi vọng. Tình hình dịch bệnh phức tạp vẫn đang khiến hoạt động sản xuất ở nước này dù tiếp tục mở rộng nhưng với tốc độ rất chậm. Viện Quản lý Cung ứng công bố ngày hôm qua chỉ số theo dõi hoạt động sản xuất Mỹ giảm xuống còn 50,1 vào tháng Hai, so với 50,9 vào tháng Một. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mức 50,5 mới là mức an toàn. Hoạt động sản xuất ở Mỹ bắt đầu kéo theo nền kinh tế nước này đi xuống từ nửa cuối năm 2019. Chỉ số ISM giảm xuống thấp hơn số điểm 50 từ tháng 8/2019 và giữ nguyên mức đó cho đến tháng 1/2020, khi các nhà máy bắt đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi trước diễn biến bớt căng thẳng của thương chiến Mỹ- Trung. Nhưng dịch virus corona một lần nữa mang lại những thử thách mới cho hạng mục sản xuất, sau khi hãng Boeing bị ngừng sản xuất đời máy bay 737 Max gây ra tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Không ngạc nhiên khi nguyên nhân dẫn đến chỉ số ISM thấp đến từ khó khăn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu và bộ phận. 

Bên cạnh công nghiệp nặng, các công ty thực phẩm, đồ uống và thuốc lá cũng đối mặt với nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh và khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp ở Trung Quốc.

Vân Anh
Cùng chuyên mục