Đài Loan (Trung Quốc) điều tra chống bán phá giá với xi măng, clinker từ Việt Nam

15/08/2024 10:11 GMT+7
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, ngày 12/8 Cục đã nhận được thông tin về việc Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Đài Loan (Trung Quốc) điều tra chống bán phá giá với xi măng, clinker từ Việt Nam

Theo đó, mặt hàng bị điều tra là xi măng và clinker được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3; bên yêu cầu là Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (Trung Quốc); ngày khởi xướng 8/8/2024; thời kỳ điều tra bán phá giá từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024; biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 16,99%.

Nguyên đơn nêu tên 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Ngoài 7 doanh nghiệp này, còn có các doanh nghiệp khác cũng xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang Đài Loan (Trung Quốc). Quy trình thủ tục điều tra: Cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) bao gồm Cơ quan Quản lý tài chính (MOF) và Cơ quan Quản lý kinh tế (MOEA); trong đó, MOF là cơ quan có thẩm quyền điều tra hành vi bán phá giá, MOEA là cơ quan điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Đài Loan (Trung Quốc) điều tra chống bán phá giá với xi măng, clinker từ Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo đó, MOF sẽ chọn mẫu điều tra để tính toán biên độ bán phá giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được chọn mẫu được coi là bị đơn bắt buộc và phải tham gia vụ việc, trả lời Bản câu hỏi điều tra và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của MOF. Các doanh nghiệp này được tính thuế riêng tùy thuộc vào thông tin, dữ liệu cung cấp.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng, tất cả 7 doanh nghiệp được nêu tên và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác chưa được nêu tên đều phải gửi xác nhận tham gia để phục vụ việc chọn mẫu. Các doanh nghiệp liên quan nhưng không nộp xác nhận tham gia sẽ bị tính biên độ bán phá giá dựa trên thông tin của bên yêu cầu hoặc các thông tin sẵn có khác. Bản công khai Hồ sơ yêu cầu và mẫu xác nhận tham gia có thể được tải về tại: https://web.customs.gov.tw/singlehtml/717?cntId=cus1_179457_717.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, MOF và MOEA sẽ phối hợp điều tra theo thẩm quyền, ban hành kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng, thẩm tra tại chỗ, điều trần để xác minh các thông tin phục vụ ra quyết định về hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày khởi xướng, doanh nghiệp gửi văn bản nêu ý kiến hoặc cung cấp thông tin về hàng hóa, nội dung thông báo khởi xướng theo địa chỉ: The Customs Administration (MOF), No.13, Tacheng St., Taipei City 103205, Taiwan.

Lợi nhuận đã chạm đáy, tiêu thụ xi măng liệu có khởi sắc?

Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Chứng khoán SSI nhận định, từ quý II/2024, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024. 

Theo đó, SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng sẽ chạm đáy trong quý I/2024 và dần phục hồi trong suốt năm 2024.

Đài Loan (Trung Quốc) điều tra chống bán phá giá với xi măng, clinker từ Việt Nam - Ảnh 2.

Mặt khác, áp lực gia tăng từ các đối thủ cạnh tranh trong nước có thể khiến giá xi măng giảm. Công suất trong nước đã được mở rộng trong thời gian gần đây (tăng 4,5% so với cùng kỳ trong năm 2022 và tăng 6,1% so với cùng kỳ trong năm 2023). 

SSI ước tính tình trạng dư cung đã tăng từ 15% trong năm 2022 lên 30% trong năm 2023. Cùng với mức tăng trưởng trái chiều trên kênh xuất khẩu, điều này sẽ làm gia tăng cạnh tranh trong nước. Trong đó đặc biệt xảy ra ở miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Ngoài ra, SSI dự kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp than sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ trong năm 2024 do sản lượng tiêu thụ phục hồi trên điểm hòa vốn và chi phí than đầu vào giảm. 

SSI đánh giá, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng phục hồi trong nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, lợi nhuận có thể sẽ vẫn yếu (thấp hơn năm 2022) do sản lượng tiêu thụ phục hồi chậm và chi phí quản lý và bán hàng không thay đổi.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), 6 tháng đầu năm 2024, thị trường xi măng trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhu cầu thấp, công trình xây dựng dân dụng mới ít khởi công, bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi. Cạnh tranh khốc liệt về giá bán giữa các đơn vị sản xuất xi măng do áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Sản lượng sản xuất clinker 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Công ty đạt 7,63 triệu tấn, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng sản phẩm tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11,45 triệu tấn, bằng 47,6% kế hoạch năm 2024 và tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tiêu thụ xi măng đạt 9,86 triệu tấn, bằng 45,6% kế hoạch năm 2024 và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng doanh thu 6 tháng mới đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Linh Anh
Cùng chuyên mục