Đại tướng Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước

Hải Phong Thứ bảy, ngày 02/04/2016 08:54 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an trở thành Chủ tịch nước. Đại tướng Trần Đại Quang đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam với số phiếu rất cao.
Bình luận 0

img

Đại tướng Trần Đại Quang – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Sáng nay (2.4), sau khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín để bầu ứng viên duy nhất cho chức danh Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam là Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an, Ban kiểm phiếu đã chính thức công bố kết quả kiểm phiếu, cụ thể như sau:

Tổng số ĐBQH: 494 người. Số ĐBQH có mặt: 483. Số phiếu phát ra: 483, thu về 483. Số phiếu hợp lệ: 481. Số phiếu không hợp lệ: 2. Số phiếu đồng ý: 452 (đạt tỉ lệ 91,50%). Số phiếu không đồng ý: 29 (5,87%).

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả, Quốc hội đã thảo luận và sau đó, 465 ĐB tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước với tỷ lệ tán thành là 460 ĐB (93,12%), không tán thành là 1 ĐB. 

Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc lời tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân cả nước. 

img

Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân. (Ảnh: Hoàng Phong)

Clip: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội

Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an trở thành Chủ tịch nước. Trước đó, năm 1992, Đại tướng Lê Đức Anh cũng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Khi đó, ông Lê Đức Anh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước cũng là Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và An ninh; đồng thời cũng là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư.

Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Đặc biệt, Chủ tịch nước cũng có quyền triệu tập, tham dự và đồng thời là chủ tọa các phiên họp của Chính phủ, có quyền triệu tập các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân để thảo luận, nghe báo cáo các vấn đề về quốc phòng, an ninh hay có quyền bác bỏ các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với Hiến pháp và pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem