Đăk Nông: Kiếm tiền triệu nhờ... "đo gang đất tính tiền"

Thứ ba, ngày 15/06/2021 08:44 AM (GMT+7)
Nhu cầu sinh hoạt tăng nhanh ở Đăk Nông giúp thợ đào giếng nước thải có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Thu nhập cao, nhưng người thợ làm nghề có thể phải đánh đổi cả mạng sống.
Bình luận 0

Nghề đào đất tính tiền

Hơn 12 năm làm nghề, ông Trần Văn Hùng (trú tại phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) nổi tiếng trong giới xây dựng với công việc đào giếng thấm - giếng chứa nước thải.

Gắn bó với công việc đào giếng hơn một thập kỷ, người thợ đào giếng gốc Thanh Hóa đã nếm trải mọi khó khăn, nhọc nhằn của nghề. Thế nhưng, chính công việc vất vả, cơ cực ấy lại giúp ông có thu nhập ổn định.

Đăk Nông: Kiếm tiền triệu nhờ... "đo gang đất tính tiền" - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hùng, thợ đào giếng có kinh nghiệm 12 năm.

Theo ông Trần Văn Hùng, tại TP Gia Nghĩa, nhiều khu dân cư chưa có hệ thống thoát nước nên phần lớn người dân khi xây dựng nhà cửa đều cần đào giếng thấm. Sau khi được lắng qua bể phốt, nước thải sinh hoạt sẽ đổ xuống giếng để thấm từ từ vào đất. Có nhà đào một giếng, có nhà đào 2 giếng tùy vào nhu cầu sử dụng và độ sâu của giếng.

"Trung bình mỗi giếng thấm có đường kính khoảng một m, sâu 6-8 m, nhưng cũng có giếng sâu 10-12 m nếu chủ nhà chỉ đào một giếng. Để hoàn thành một giếng thấm, 2 người thợ phải đào liên tục khoảng 1-2 ngày, tùy vào độ cứng của đất. Chính vì thế, giếng đào càng đào sâu, tiền công càng cao", người thợ đào giếng hơn 50 tuổi này cho biết.

Đăk Nông: Kiếm tiền triệu nhờ... "đo gang đất tính tiền" - Ảnh 2.

Trung bình, mỗi giếng đào sẽ có độ sâu khoảng 6-12m, phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của chủ nhà.

Thông thường, công việc đào giếng của ông Trần Văn Hùng bắt đầu từ khoảng 7-17h. Cứ sau một giờ làm việc, mỗi người lại đảo vị trí công việc cho nhau.

"Đi đào giếng lúc nào cũng phải có 2 người, một người đào, một người chuyển đất đi đổ, luân phiên nhau. Nhiều người nghĩ xuống dưới đó mát, nhưng thực tế là không gian rất chật hẹp và thiếu không khí. Nhiệt độ lúc nào cũng cao hơn trên mặt đất. Rất nóng nực và khó chịu", thợ đào giếng vừa nói.

Đăk Nông: Kiếm tiền triệu nhờ... "đo gang đất tính tiền" - Ảnh 3.

Không gian làm việc chật hẹp, nhiệt độ phía dưới giếng luôn cao hơn trên mặt đất.

Giống như ông Trần Văn Hùng, anh Nguyễn Như Quý (trú tại phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa) cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đào giếng. Mùa mưa là mùa làm ăn của những người thợ đào giếng. Anh Quý cùng đồng nghiệp thường phải làm việc cật lực từ 6-17h hàng ngày.

Đồ nghề của 2 người thợ chỉ là một bộ tời bằng tay, một chiếc thùng bằng sắt, một chiếc quạt để thổi không khí xuống dưới giếng cùng xà beng, búa, đục và xẻng xúc đất.

Anh Nguyễn Như Quý cho biết: "Vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng nhà cửa cao nên nhiều người thuê chúng tôi đi đào giếng. Đất tại TP Gia Nghĩa khá mềm, lại vào thời điểm mùa mưa nên đa phần mỗi giếng chỉ đào khoảng hơn một ngày là xong.

Về tiền công đào giếng, theo anh Nguyễn Như Quý, mỗi mét chiều sâu được tính với giá 200.000 đồng. Còn địa hình đá nhiều thì 300.000-400.000 đồng. Với mức giá đó, mỗi ngày người thợ có thể kiếm gần 2 triệu đồng.

Nhiều rủi ro

Với nhiều năm làm nghề, ông Trần Văn Hùng luôn ý thức về mức độ nguy hiểm của công việc. Dù chưa từng gặp sự cố đáng tiếc nhưng những lần "chết hụt" và tai nạn liên quan đến đồng nghiệp đã khiến ông cẩn thận hơn mỗi khi "làm việc dưới lòng đất".

Đăk Nông: Kiếm tiền triệu nhờ... "đo gang đất tính tiền" - Ảnh 4.

Những lần "chết hụt" và tai nạn liên quan đến đồng nghiệp, khiến ông Trần Văn Hùng càng cẩn trọng hơn.

Ông Trần Văn Hùng nhớ có lần nhóm thợ đang làm thì bị đứt dây tời, đất đá rơi xuống làm một người bị thương nặng ở đầu, phải đi bệnh viện điều trị. Cũng có trường hợp giếng đào sâu, phía dưới thiếu không khí nên người thợ bị ngạt và ngất đi.

"Chính vì thế, nguyên tắc mà những người thợ đào giếng thuê phải luôn ghi nhớ, đó là sự cẩn trọng từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn tất công việc", ông Trần Văn Hùng chia sẻ.

Đăk Nông: Kiếm tiền triệu nhờ... "đo gang đất tính tiền" - Ảnh 5.

"Đồ bảo hộ" không thể thiếu trong mỗi lần đào giếng là máy thổi không khí.

Theo anh Quách Ngọc Thành, một thợ đào giếng có kinh nghiệm ở địa bàn Gia Nghĩa, dụng cụ hành nghề không thể thiếu là máy thổi không khí để cung cấp oxy trong khi đào.

Những người thợ làm việc lâu năm có thể đánh giá được "độ loãng" của không khí. Nhưng với nhiều người non kinh nghiệm sẽ cần đến máy thổi trong suốt quá trình làm việc.

Đăk Nông: Kiếm tiền triệu nhờ... "đo gang đất tính tiền" - Ảnh 6.

Phút nghỉ ngơi, lấy sức của người thợ đào giếng.

Theo anh Quách Ngọc Thành, ngoài việc có sức khỏe dẻo dai thì người thợ cần phải có chiếc thổi gió để tạo ra không khí cũng như thổi khí độc.

Nghề đào giếng rất nguy hiểm, mỗi lần xuống là xác định có thể gặp rủi ro, chỉ khi nào lên mặt đất mới chắc mình còn sống. Đã có những trường hợp thợ đào giếng chủ quan, chưa chú ý đến việc bảo hộ dẫn đến tai nạn và mất mạng vì nghề này.

Theo những người thợ, giếng thấm là nơi chứa nước thải sinh hoạt hàng ngày. Sau khi được lắng qua bể phốt, nước thải sẽ được đổ vào giếng thấm, thấm từ từ vào lòng đất.

Chức năng chính của giếng thấm là chứa nước thải. Nên khi đào giếng, người thợ thường chọn khu vực khô ráo, cằn cỗi để tránh đào phải mạch nước ngầm. Mỗi giếng thấm cũng chỉ sâu không quá 15 m để tránh tình trạng sạt lở thành giếng.


Đặng Dương (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem