Dân Myanmar từ chối trả tiền điện, bệnh viện phải dùng máy phát giữa lúc dịch Covid-19 lây lan

25/07/2021 14:16 GMT+7
Nguồn cung điện tại Myanmar đang đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng do doanh thu từ điện sụt giảm sau vụ chính biến hồi đầu tháng 2.

Làn sóng tẩy chay thanh toán hóa đơn điện trên diện rộng khiến các nhà cung cấp điện tại Myanmar thất thu trầm trọng và đe dọa nguồn cung điện toàn quốc. Việc thiếu điện cũng tạo áp lực nghiêm trọng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vốn đã yếu ớt của Myanmar trong bối cảnh làn sóng dịch tiếp theo ập đến. Các trường hợp nhiễm mới Covid-19 của Myanmar đang tăng lên mức kỷ lục với bình quân 6.000 ca mắc mới mỗi ngày trong tháng qua. Tính từ đầu đại dịch đến nay, Myanmar đã ghi nhận hơn 250.000 ca nhiễm mới và ít nhất 6.000 ca tử vong, con số đó đang tăng lên khi biến chủng virus delta càn quét quốc gia Đông Nam Á này.

Chiến dịch bất tuân dân sự trên toàn quốc chống lại sự cai trị của chính quyền lâm thời do quân đội kiểm soát đã thổi bùng làn sóng từ chối thanh toán hóa đơn tiền điện tại Myanmar. Doanh thu của Bộ Điện và Năng lượng (MOEE) đã giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn đầu tháng 2 đến nay, theo dữ liệu tổng hợp bởi Nikkei Asian Review. Vào tháng 3, 1 tháng sau chính biến, doanh thu của MOEE đã sụt giảm 100 tỷ kyats (60,5 triệu USD) so với tháng 1, trước khi quân đội nắm quyền kiểm soát bộ này. 

Dân Myanmar từ chối trả tiền điện, bệnh viện phải dùng máy phát giữa lúc dịch Covid-19 lây lan - Ảnh 1.

Myanmar thiếu điện trầm trọng, người dân chuyển sang thắp nến và bệnh viện phải dùng máy phát điện giữa lúc dịch Covid-19 lây lan (Ảnh: Reuters)

Một tài liệu của chính phủ mà Nikkei có được cho thấy mức thu tiền điện hàng tháng ở 2 thành phố lớn nhất Myanmar - Yangon và Mandalay đã giảm xuống chỉ còn lần lượt 2% và 3% so với thời điểm trước đảo chính. Nếu cuộc tẩy chay hóa đơn tiếp tục diễn ra, MOEE có thể thiệt hại tới 2-2,5 nghìn tỷ kyats (1,2-1,5 tỷ USD) trong năm nay.

Nhìn chung, phong trào bất tuân dân sự rõ ràng đang gây thiệt hại lớn cho ngành điện và làm chảy máu nguồn thu ngân sách chính phủ Myanmar. Trước đó, hồi tháng 6, tờ Nikkei Asian Review nhận định tình trạng thiếu tiền mặt tại Myanmar khó có thể được giải quyết sớm trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương không muốn tăng cung tiền mặt vì lo sợ đồng nội tệ kyat mất giá và lạm phát gia tăng. Nghiêm trọng hơn, doanh thu giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì cơ sở hạ tầng lưới điện cũng như năng lực sản xuất điện của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Nikkei, đã có ít nhất 4.058 nhân viên thuộc MOEE bị sa thải vì tham gia phong trào bất tuân dân sự, hoặc tự động xin nghỉ việc. Tình trạng thiếu điện có thể tiếp tục kéo dài và trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tiếp theo. 

Trước khi được quân đội tiếp quản, MOEE có khoảng 50.000 nhân viên biên chế. Sự ra đi của hơn 4.000 nhân viên đã mang đến một tác động lớn chưa từng có, bởi nhiều người trong số đó là các quản lý cấp trung hoặc những nhân viên kỹ thuật, tài chính chủ chốt của bộ.

Khi làn sóng đại dịch tiếp theo bùng phát, nguy cơ thiếu điện đang đe dọa dẫn đến một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng. Các bệnh viện quốc doanh của Myanmar hiện đang trong tình trạng thiếu hụt điện trầm trọng và buộc phải phụ thuộc vào nguồn điện từ máy phát trong khi giá nhiên liệu tăng mạnh. 

Tim Dobermann, một nhà kinh tế tại Trường Kinh tế London cho hay: “Myanmar có lượng máy thở và phòng chăm sóc đặc biệt hữu hạn. Nếu các phòng khám và bệnh viện không thể sử dụng nguồn điện dự phòng để cung cấp các dịch vụ chăm sóc thiết yếu này, bệnh nhân sẽ là người nhận hậu quả…. Tại thời điểm này ở Myanmar, không có điện đồng nghĩa với cái chết”.


NTTD
Cùng chuyên mục