Đào ao thả cá, nuôi ốc nhồi, nhiều hộ dân ở huyện này của Thái Nguyên kiếm nhiều tiền hơn

Hà Thanh Thứ sáu, ngày 06/05/2022 06:04 AM (GMT+7)
Tận dụng những lợi thế có sẵn, nhiều năm gần đây, các hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung phát triển nuôi trồng thuỷ sản như nuôi cá, nuôi ốc nhồi, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Bình luận 0

Trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) hiện có gần 650ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Kim, Tân Khánh, Tân Hòa, Tân Đức, Bảo Lý và Bàn Đạt.

Thái Nguyên: Tận dụng lợi thế để chăn nuôi thuỷ sản nhiều hộ dân có thu nhập kinh tế cao  - Ảnh 1.

Nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Bình nuôi các giống cá cho năng suất cao như: Cô phi đơn tính, cá chép, cá trắm (Ảnh: Hà Thanh)

Nhận thấy hiệu quả từ nuôi trồng thuỷ sản, thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã chủ động chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi ghép sang nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh với nhiều loại giống cho năng suất cao như: Cá chép lai, cá rô phi đơn tính, cá trôi, cá chim trắng, cá trắm cỏ, ốc nhồi...

Theo kế hoạch, năm 2022 huyện Phú Bình phấn đấu đạt sản lượng thủy sản 4.300 tấn (tăng 400 tấn so với năm 2020), đưa sản lượng thủy sản tăng bình quân 11,7%/năm.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kim, hiện nay, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của người dân trên địa bàn xã Tân Kim khoảng trên 40ha.

Trước đây bà con nông dân chủ yếu nuôi trồng thuỷ sản không tập trung, sau đó, Hội Nông dân đã định hướng và tuyên truyền bà con nông dân đào ao, thả cá trên những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Nhận thấy có hiệu quả, từ năm 2016, bà con đã thành lập HTX Dịch vụ chăn nuôi thuỷ sản Kim Đĩnh để phát triển nuôi trồng thuỷ sản với diện tích lớn.

Đến năm 2019, nhiều hộ dân của xóm La Đao tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá và thành lập HTX nuôi trồng thuỷ sản Vạn Thắng với diện tích chăn nuôi 8ha.

Thái Nguyên: Tận dụng lợi thế để chăn nuôi thuỷ sản nhiều hộ dân có thu nhập kinh tế cao  - Ảnh 2.

Năm 2021, gia đình ông Trần Văn Quang (xóm La Đao, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) thu về hơn 300 triệu đồng tiền lãi từ nuôi cá. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Phạm Văn Ty, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh cho biết, thuận lợi của HTX là có nguồn nước tại chỗ từ đập Kim Đĩnh nên rất thuận tiện cho nuôi trồng thuỷ sản. 

Cùng với đó, HTX luôn được địa phương khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng vùng sản xuất tập trung. Bởi vậy, HTX đã dồn đổi ruộng với các hộ dân khác trong xã, lấy các thửa liền kề nhau gần đập Kim Đĩnh để thuận tiện cho việc lấy nước.

Hiện HTX chăn nuôi thuỷ sản Kim Đĩnh có tất cả 10 thành viên tham gia, với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng trên 10ha. Năm 2021 HTX thu được sản lượng trên 100 tấn cá thương phẩm mang về lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Quang (xóm La Đao, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hiện có trên 2ha diện tích mặt nước. Ông Quang cho biết, ông nuôi cá đã nhiều năm nay nhưng trước đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Nhờ Hội Nông dân xã tuyên truyền, khuyến khích, gia đình ông đã thay đổi tư duy từ thả cá sang chăn cá và mở rộng diện tích chăn nuôi lên 3 mẫu. Năm 2021, với sản lượng cá 20 tấn, gia đình ông thu về 640 triệu, sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng hơn 300 triệu đồng.

Ông Quang cho biết, nuôi cá không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần đảm bảo môi trường và phục vụ nguồn nước tưới tiêu cho bà con sản xuất. Nếu giá cả ổn định người nuôi cá sẽ không lo bị lỗ, thậm chí ngay cả khi giá cả xuống thấp thì người chăn nuôi vẫn có lãi.

Thái Nguyên: Tận dụng lợi thế để chăn nuôi thuỷ sản nhiều hộ dân có thu nhập kinh tế cao  - Ảnh 3.

Gia đình ông Lương Văn Vui, xã Kha Sơn huyện Phú Bình thu về hàng trăm triệu đồng từ bán ốc nhồi thương phẩm mỗi năm (Ảnh: Hà Thanh)

Còn gia đình ông Lương Văn Vui (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có diện tích 3 sào mặt nước ao, trước đây để nuôi cá và trồng sen. Thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi ốc nhồi, ông bắt đầu phát triển mô hình nuôi ốc nhồi với số lượng lớn. Năm 2020, với giá bán trên 200.000 đồng/kg ốc nhồi, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng từ việc bán ốc.

Ngoài công việc giảng dạy tại trường, chị Dương Thị Nga (xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) còn phát triển mô hình nuôi ốc nhồi tại gia đình.

Từ nuôi 2.000 ốc giống ban đầu, đến nay, chị Nga đã đầu tư, mở rộng diện tích lên đến trên 3.000m2 với khoảng 7 vạn ốc nhồi thương phẩm. Năm 2021, với giá bán buôn 75.000 đồng/kg, chị thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng từ 3 tấn ốc nhồi.

Bà Dương Thị Luyến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết, nuôi trồng thuỷ sản đang là hướng đi ổn định của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình trong những năm gần đây. Do đó, để giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, trong thời gian tới, 

Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác những tiềm năng, lợi thế về mặt nước để phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Đồng thời, rà soát và định hướng giúp người dân xây dựng mô hình phù hợp với từng loại diện tích mặt nước canh tác, cũng như tăng cường các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi trồng thuỷ sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem