Đặt mục tiêu đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP, Hà Nam cần làm ngay những việc này

Võ Hồng Nhân Thứ ba, ngày 22/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Bình luận 0

Hà Nam đã có 41 sản phẩm OCOP, mục tiêu 150 sản phẩm

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND ngày 24/10/2018 phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2030.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Nam, sau khi triển khai Chương trình OCOP, đến nay địa phương này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng lẫn chất lượng.

Chương trình OCOP mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở địa phương, góp phần giúp nông sản đặc trưng của Hà Nam có điều kiện khẳng định thương hiệu, vươn xa hơn tới các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP  - Ảnh 1.

Sau khi triển khai Chương trình OCOP, đến nay Hà Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng lẫn chất lượng. Ảnh: Hồng Nhân.

Đến nay, tỉnh Hà Nam đã tổ chức đánh giá, phân hạng được  41 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 23 sản phẩm đạt hạng 3 sao thuộc 22 chủ thể và có 37 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong năm 2021.

Theo đó, sau khi được công nhận OCOP, các cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường như cá kho Nhân Hậu, bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc, rượu nếp cái hoa vàng, mật ong rừng miền Bắc, miến chùm ngây, ruốc cá, chả cá…

Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Để Chương trình OCOP phát huy hiệu quả, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP.

Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP  - Ảnh 2.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Ảnh: Hồng Nhân.

Chính vì thế, địa phương này đã tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành, cho đến người dân để mọi người đều hiểu mục đích, ý nghĩa, khi tham gia chương trình, từ đó mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Coi phát triển các sản phẩm chủ lực là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Tập trung công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho chủ thể sản xuất.

Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, Hà Nam đã sớm bổ sung nhiệm vụ, kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cũng nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ từ các tỉnh bạn nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có điều kiện xúc tiến, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và các doanh nghiêp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh.

Nhìn thẳng khó khăn để phát triển sản phẩm OCOP

Có những thuận lợi, nhưng theo đánh giá từ UBND tỉnh Hà Nam, trong công tác tổ chức còn gặp một số khó khăn.

Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP  - Ảnh 3.

Nhận rõ khó khăn và thách thức, tỉnh Hà Nam đã quyết tâm phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phầm như các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và kinh doanh mới chỉ tập trung sản xuất sản phẩm nguyên liệu, chưa chú trọng đến việc chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn mác, thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, chưa đồng đều, chưa được tiêu chuẩn hóa; mẫu mã bao bì, kiểu dáng cần được nâng cao và cải thiện.

Công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm cần được đẩy mạnh để tăng hiệu quả, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất.

Nhân lực thực hiện chương trình cần được nâng cao, chưa có nhiều hình thức tổ chức kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc sản xuất cần được chuyên môn hóa. Chính vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường chưa được như mong đợi.

Nhận rõ khó khăn và thách thức, tỉnh Hà Nam đã quyết tâm phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của quốc gia. Phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn, tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời triển khai các chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội nghị, chương trình kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để đưa các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh tiếp cận với người tiêu dùng của nhiều vùng, miền trên cả nước, nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại, sàn giao dịch điện tử

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc… cung cấp ra thị trường các sản phẩm đúng tiêu chuẩn, đủ về chất lượng sẽ tác động rất nhanh đến người tiêu dùng.

Tỉnh Hà Nam cũng vận động, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP liên kết thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác,liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường. Đây chính là những yếu tố quan trọng để xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem