Quảng Nam đưa sản phẩm OCOP vươn xa khu vực
Ngày 25/1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn 485 về triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022, trong đó đặt biệt chú ý đến việc đưa sản phẩm OCOP của nông dân vươn xa tầm khu vực. Nhất là tổ chức ít nhất 2 hội chợ chuyên ngành về sản phẩm OCOP, trong đó, có ít nhất 1 hội chợ sản phẩm OCOP tại một trong các thành phố lớn Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội.
268 sản phẩm OCOP được gắn sao
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kết thúc năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, với sự kế thừa kết quả, kinh nghiệm của 3 năm triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018-2020, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Chương trình OCOP năm 2021 đã đạt được những kết quả khá tốt; số lượng chủ thể đăng ký tham gia nhiều, sản phẩm đa dạng trên các nhóm ngành hàng.
"Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp cơ bản đảm bảo theo tiến độ, số lượng sản phẩm được công nhận từ hạng 3 sao trở lên thuộc tốp cao so với các tỉnh thành trong cả nước.
Đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 268 sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP (năm 2021, công nhận 73 sản phẩm), trong đó, có 222 sản phẩm hạng 3 sao, 45 sản phẩm hạng 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao", UBND tỉnh cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP năm 2021 Quảng Nam vẫn còn những mặt tồn tại nhất định, cần khắc phục, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền còn hạn chế; việc chỉ đạo, triển khai ở một số địa phương còn chưa thật sự tập trung, quyết liệt; một số chủ thể đăng ký tham gia nhưng thiếu quyết tâm, bị động; việc hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục, hỗ trợ phát triển sản phẩm ở cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm ở một số nơi còn chưa chặt chẽ; việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, bán hàng OCOP còn chưa nhiều.
Đưa sản phẩm nhà nông vươn xa khu vực
Để tổ chức thực hiện tốt Chương trình OCOP năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai toàn diện các nội dung Chương trình OCOP năm 2022. Khẩn trương rà soát, lựa chọn, lập danh sách chủ thể, sản phẩm được các địa phương đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2022.
Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền; xây dựng, nâng cấp, bảo trì website OCOP Quảng Nam theo hướng tập trung cho công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, quảng bá sản phẩm OCOP; nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý, lưu trữ và đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; triển khai hoạt động khuyến công, thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP. Tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý nghiêm các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Năm 2022, tổ chức ít nhất 2 hội chợ chuyên ngành về sản phẩm OCOP, trong đó, có ít nhất 1 hội chợ sản phẩm OCOP tại một trong các thành phố lớn Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể OCOP đăng ký, tham gia giới thiệu, phân phối sản phẩm OCOP tại các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ. Kết nối, hỗ trợ chủ thể bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Sendo, Lazada, Postmart, Voso, sanpham.quangnam.gov.vn.
Các sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương, chủ thể OCOP phát triển thương hiệu, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý...
Phối hợp với Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tổ chức các hoạt động, sự kiện, diễn đàn liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, tư vấn khởi nghiệp...
Hỗ trợ tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng miền. Hướng dẫn đưa các giá trị văn hóa, đặc thù của địa phương vào sản phẩm OCOP, phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương; quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch. Tư vấn, định hướng, hỗ trợ một số sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tham gia Chương trình OCOP.
Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP, quảng bá những sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận, những gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo trong chương trình OCOP.