Dầu có thể tăng lên 150 USD/thùng trong quý này do “cú sốc bất lợi nguồn cung”
Dự báo được đưa ra khi giá dầu tính đến thời điểm hiện tại đã tăng vọt khoảng 16% trong tháng, giao dịch ở mức cao nhất gần 7 năm do nhu cầu mạnh mẽ đối với mặt hàng này đang vượt xa nguồn cung toàn cầu. Trong phiên giao dịch hôm nay, giá dầu Brent đạt gần 88 USD/thùng, giá dầu WTI giao dịch ở mức 85 USD/thùng.
Các nhà kinh tế học Joseph Lupton và Bruce Kasman của JPMorgan viết trong một báo cáo nghiên cứu: "Căng thẳng địa chính trị mới nhất giữa Nga và Ukraine làm tăng nguy cơ tăng đột biến giá trong quý này. Điều này xảy ra do lạm phát vốn đã tăng cao — đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trong quý trước — và nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi một làn sóng khác của đại dịch COVID-19 làm tăng thêm sự bất ổn định trong ngắn hạn".
Trong nhiều tuần, Nga đã tập trung hàng nghìn binh sĩ và pháo binh ở biên giới Ukraine . Ukraine và Mỹ đã lên tiếng "nhắc nhở" về cuộc xâm lược từ Nga nhưng chính phủ Nga nhiều lần khẳng định họ không có kế hoạch xâm lược.
Theo đó, một sự kiện địa chính trị bất lợi giữa Nga và Ukraine sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu, với kịch bản của JPMorgan dự đoán giá dầu Brent tăng "nhanh chóng" lên đến... 100% trong một đến hai quý để chạm 150 USD/thùng từ mức giá trung bình 75 USD/thùng do cú sốc nguồn cung. Ngân hàng ước tính một bước tăng vọt như vậy tương đương sản lượng dầu sẽ cắt giảm "mạnh" 2,3 triệu thùng/ngày, hay tổng nguồn cung toàn cầu giảm khoảng 2%.
Các chuyên gia đánh giá đây sẽ là một cú sốc bất lợi về nguồn cung, tác động lên sản lượng là làm giảm GDP toàn cầu xuống 1,6%. Dựa trên mô hình cân bằng chung của JPMorgan, lạm phát toàn cầu có thể tăng trưởng đến +7,2% trong nửa đầu năm của 2022 từ mức +3%.
JPMorgan cho biết có hai "kênh" mà qua đó cú sốc nguồn cung có thể làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu. Đầu tiên là do hậu quả của sự can thiệp của Nga vào Ukraine.
"Mỹ, phối hợp với các đồng minh, có khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Mặc dù khả năng ảnh hưởng khác nhau về phạm vi và quy mô, nhưng chúng có thể sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và điều kiện tài chính toàn cầu."
Cuối cùng, JPMorgan cho biết các dự đoán của họ dựa trên "chính sách đã được thực hiện" của các ngân hàng trung ương lớn trong hai thập kỷ qua, theo đó các cú sốc giá dầu liên quan đến bất ổn địa chính trị được coi là mối đe dọa lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế so với lạm phát.
"Trong bối cảnh một năm lạm phát đã tăng cao và các chính sách cực kỳ "dễ thở", các ngân hàng trung ương có thể hành động quyết liệt hơn bình thường — đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, nơi mà chỉ cần tâm lý ngại rủi ro toàn cầu gia tăng thôi cũng có thể gây áp lực giảm giá trị đồng tiền."