Đầu tư nghìn tỷ xây nhà máy chế biến rau quả, doanh nghiệp “sợ" nhất điều gì?

Khương Lực Thứ năm, ngày 19/11/2020 07:00 AM (GMT+7)
Dù có cả chục triệu tấn rau, quả các loại mỗi năm, nhưng điều khiến các doanh nghiệp "sợ" và “đau đầu” nhất khi đầu tư nghìn tỷ xây dựng nhà máy chế biến rau quả, là lo thiếu nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy hoạt động ổn định, thường xuyên và lâu dài. Vì sao lại có nghịch lý trớ trêu này?
Bình luận 0

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất nhập khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, việc xây dựng nhà máy chế biến rau quả chi phí trung bình khoảng 400 tỷ đồng thì khá đơn giản, cũng có doanh nghiệp đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Đó chưa phải là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp.

Xây nhà máy trăm tỷ, lo nhất nguồn nguyên liệu

Hiện nay, Doveco đã đầu tư hoàn thiện 2 nhà máy chế biến rau quả với dây chuyền máy móc tiên tiến, hiện đại. Tại Ninh Bình, nhà máy chế biến Doveco có công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm. Nhà máy chế biến Doveco tại Gia Lai khánh thánh vào tháng 9/2019 có công suất chế biến lên đến 52.000 tấn sản phẩm/năm.

Đầu tư nghìn tỷ xây nhà máy chế biến rau quả, doanh nghiệp “đau đầu” vì điều gì? - Ảnh 1.

Dây chuyền sơ chế, chế biến rau của Công ty CP Thực phẩm xuất nhập khẩu Đồng Giao (Doveco) tại Ninh Bình.

Mới đây, ngày 29/9, tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La), Doveco đã khởi công Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La với tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. 

Đó là: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Tropical Food – Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả rau đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Italia và Đức.

Trên mỗi dây chuyền sản xuất có thể đồng thời chế biến được đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau quả sẵn có ở Sơn La. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp quan tâm trước khi xây dựng nhà máy là nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy hoạt động ổn định, thường xuyên và lâu dài. 

"Như tại Sơn La, với công suất nhà máy Doveco Sơn La, phải mất 3 năm nữa may ra mới đủ nguyên liệu cho chúng tôi chế biến" – ông Khuê nói.

Đầu tư nghìn tỷ xây nhà máy chế biến rau quả, doanh nghiệp “đau đầu” vì điều gì? - Ảnh 2.

Với diện tích canh tác hơn 5.500ha, thâm canh nhiều loại rau quả nhiệt đới như: dứa, cam quýt, đu đủ, vải nhãn, na, ớt, lạc tiên..., Doveco còn trồng, canh tác nhiều loại cây có sản lượng cao và chế biến các loại rau quả đóng hộp, sản phẩm rau tươi phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Theo ông Khuê, vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến rau quả hiện nay tại Việt Nam có thể chia làm hai loại, đó là: vùng nguyên liệu phi tập trung và vùng nguyên liệu tập trung.

Vùng nguyên liệu phi tập trung là vùng nguyên liệu truyền thống, sẵn có mà ở đó các loại rau quả được trồng một cách phân tán, manh mún do các hộ gia đình nông dân trồng với quy mô nhỏ, các loại rau quả thường có chất lượng không cao, sản lượng thu hoạch không nhiều. Sau khi tiêu thụ không hết họ mới đem bán.

Với vùng nguyên liệu như vậy, doanh nghiệp chế biến cần có hệ thống thu mua nguyên liệu một cách thật quy mô, chặt chẽ, thu mua một cách kịp thời. Vùng nguyên liệu này chỉ cung cấp các loại rau quả cho doanh nghiệp mang tính chất mùa vụ, không thường xuyên.

Tại Bắc Giang, quả vải thiều chỉ đủ công suất cho dây chuyền hoạt động từ 1,5-2 tháng (từ tháng 6 đến hết tháng 7) trong khi các loại cây trồng khác chưa đủ khối lượng để đưa vào chế biến.

Tương tự, tại Sơn La, mới chỉ có một vài loại rau quả có vùng nguyên liệu đáp ứng công suất nhà máy hoạt động, trong đó có cây xoài và cũng chỉ đáp ứng sản xuất từ 1-2 tháng. Để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp bắt buộc cần tìm vùng nguyên liệu mới, trồng mới thêm.

Đối với vùng nguyên liệu tập trung, ở đó các loại rau quả được trồng tập trung vào các trang trại, các vùng chuyên canh như: xoài, dứa… Vùng nguyên liệu tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua tập trung, cung cấp kịp thời các loại rau quả cho các nhà máy chế biến và đảm bảo cho quá trình chế biến diễn ra một cách liên tục.

"Với kinh nghiệm sản xuất thực tế của công ty, để có nguồn nguyên liệu ổn định đáp ứng cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến như Doveco cần có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 25.000-30.000ha. Tuy nhiên, ở Việt Nam khó có doanh nghiệp nào sở hữu diện tích nông nghiệp lớn như vậy" – ông Khuê nói.

Vì thế, cách duy nhất để doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định là thực hiện liên kết sản xuất với các HTX theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ, đặc biệt là các HTX kiểu mới. 

"Chúng tôi đang làm việc với bà con vùng phi tập trung ở Ninh Bình, Thanh Hóa để có nguyên liệu đảm bảo chất lượng, phục vụ sản xuất nội tiêu và xuất khẩu. Thậm chí, xuất khẩu đi Nhật Bản, ở Thanh Hóa, Ninh Bình, chúng tôi làm với diện tích từ 10-50ha vẫn đảm bảo chất lượng"- ông Khuê nói.

Khâu chế biến kém, phát triển "nóng" lại dư thừa, giá rớt

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản tại Việt Nam vẫn sản xuất mang tính chất phân tán về hộ gia đình, hình thức cá nhân nông dân tự sản xuất – kinh doanh, diện tích giới hạn nên thường tự phát, do vậy khâu kiểm soát chất lượng nông sản trước và sau khi sản xuất không chặt cũng như khâu chế biến sau thu hoạch còn yếu.

Đầu tư nghìn tỷ xây nhà máy chế biến rau quả, doanh nghiệp “đau đầu” vì điều gì? - Ảnh 3.

Dây chuyền chế biến dứa của Doveco tại Ninh Bình.

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch  Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, việc chế biến sâu chỉ đạt ở mức dưới 10% không hoàn toàn là do quá ít cơ sở chế biến hay dây chuyền công nghệ không hiện đại, mà mấu chốt vẫn là những tín hiệu từ thị trường.

"Mặc dầu có mức tăng trưởng nhanh (5 năm 2013 – 2017 kim ngạch xuất khẩu tăng 43%/năm), song trình độ chế biến sâu rau quả Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được với những yêu cầu khắt khe của các thị trường "khó tính" từ việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào đến chất lượng của sản phẩm đầu ra" – ông Hòa nói.

Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 15,2% trong năm 2019 là trên 566 triệu USD so với kim ngạch xuất khẩu rau quả chung là 3,7 tỷ USD. Trong khi đó giá trị sản phẩm rau quả chế biến của thế giới năm 2018 khoảng 64 tỷ USD, chiếm 23,7% so với giá trị nhập khẩu rau quả toàn cầu là 270 tỷ USD. Như vậy, nước ta sản phẩm rau quả chế biến chỉ bằng 64% của thế giới.

Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT)

Đồng tình với nhận định trên, đại diện Công ty Vina T&T cho rằng, mặc dù nông dân là bộ phận chủ lực trong sản xuất nông sản, nhưng những thông tin về thị trường có thể phát triển xuất khẩu không được cập nhật, nắm vững nên các sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài. 

Từ đó, một phần lớn nông sản Việt Nam khó có thể tiếp cận đến được các thị trường các nước phát triển, trong đó có Mỹ. 

Thực tế, có không ít sản phẩm cây ăn quả, nhất cây có múi (cam, bưởi) đã có sự phát triển nóng thời gian vừa qua, nhưng chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa với hình thức ăn tươi là chủ yếu, khâu chế biến rất kém, dẫn tới nguy cơ dư thừa và rớt giá.

"Phải tăng cường khâu chế biến, nếu chỉ chờ ăn tươi thì chắc chắn hiệu quả rất thấp, cứ phát triển thêm một tí diện tích lại bão hòa" – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị.

Theo Bộ NNPTNT, cả nước hiện có khoảng 1,1 triệu ha cây ăn trái cho sản lượng 12-15 triệu tấn và gần 1 triệu ha rau các loại với sản lượng khoảng 17,6 triệu tấn. Về năng lực chế biến, cả nước có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất thực tế chỉ đạt trên 600.000 tấn sản phẩm và tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến đạt thấp chỉ khoảng 5-10%. Tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%, trong đó miền Bắc: 33%, miền Trung: 96,8%, Đông Nam bộ: 81,1%; Đồng bằng sông Cửu Long: 53,1%.

Những địa phương có từ 10 doanh nghiệp trở lên là: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình như xấy khô hoa quả, sản xuất mứt hoa quả, dưa chuột muối…

Đáng chú ý, trong 3 năm 2017-2019, các doanh nghiệp lớn trong nước như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoofs, Công ty CP xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (DOVECO), Công ty CP Lavifood, Vina T&T... đã đầu tư xây dựng mới 8 nhà máy chế biến rau quả hiện đại với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm với số vốn đầu tư 6.152 tỷ đồng.

Theo mục tiêu Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030, để đạt công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, dự kiến sẽ phải thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến, bảo quản rau quả hiện đại với công nghệ sản xuất tiên tiến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có sản lượng rau quả lớn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem