Dễ dãi phá vỡ quy hoạch
Dễ như điều chỉnh quy hoạch
Quy hoạch kém và dễ dàng bị thay đổi đang khiến Hà Nội và nhiều địa phương rơi vào mớ bòng bong: Quy hoạch, sửa, không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương), tình trạng vi phạm trong quản lý quy hoạch và quản lý trật tự đô thị khá phổ biến, nhưng việc xử lý còn lúng túng, bị động và chưa nghiêm.
Còn theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), việc thay đổi quy hoạch tùy tiện, nhiều lần theo hướng làm lợi cho nhà đầu tư mà thu hẹp lợi ích của dân cư.
Phải chăng chúng ta quá dễ dãi trong việc lập quy hoạch, quá dễ thỏa hiệp trong việc điều chỉnh quy hoạch?
Thừa nhận về thực tế này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, chất lượng quy hoạch đã bộc lộ hạn chế, trong đó có hạn chế chủ yếu là chất lượng quy hoạch thấp. Cụ thể, trong một số quy hoạch chúng ta đã dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số, từ đó dẫn đến những tính toán sai về cấu trúc, không gian tổ chức đô thị, cũng như chỉ tiêu về hạ tầng và các chỉ tiêu khác. Điều này dẫn tới những dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch.
Gia tăng dân số lớn từ nhiều tòa chung cư.
Phần lớn các dự án sau khi được điều chỉnh đều có xu hướng tăng thêm chiều cao công trình, tăng thêm số căn hộ, nhà mặt đất, từ đó, tạo nên sức ép cho hạ tầng do dân số tăng mạnh.
Trước nghi vấn về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết có thể do sức ép, theo lợi ích của doanh nghiệp, người đứng đầu Bộ Xây dựng nhìn nhận: “Tôi chưa có thông tin về vấn đề này, nhưng cũng không loại trừ”.
“Tới đây sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc điều chỉnh quy hoạch. Trong năm 2019 - 2020, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn để thanh tra, xử lý dứt điểm vấn đề này”, ông Hà cho biết.
Cần nhận biết tín hiệu từ đô thị
Chia sẻ góc nhìn về quy hoạch đô thị hiện nay, theo KTS. Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Văn phòng Kiến trúc Toobstudio, tín hiệu của khu vực trung tâm Hà Nội không phải là một thành phố cao tầng, đó là điều rất rõ ràng. Còn với các khu đô thị mới, ở vùng ven, đô thị vệ tinh thì có thể xây thoải mái. Người làm quy hoạch phải nhận biết và tôn trọng những tín hiệu đó và không nên phá vỡ. Với khu vực trung tâm, nội đô lịch sử, cần đảm bảo phát triển đúng tín hiệu cũ của đô thị, giữ đúng các tiêu chí về mật độ dân số, khoảng lùi, cây xanh.
Đồng quan điểm, KTS. Lê Minh Quang, Văn phòng Kiến trúc MW Archstudio cho rằng, sự khác biệt lớn nhất trong phát triển đô thị ở Việt Nam và các nước trên thế giới là ở công tác quy hoạch. Trong khi nhiều nước quy hoạch thể hiện tầm nhìn dài hạn, thậm chí lên đến hàng trăm năm, thì Việt Nam lại không làm được điều này mà liên tục thay đổi, sửa, bổ sung… Ngoài ra, việc tính toán biến động dân số của chúng ta cũng hạn chế, kiến trúc, quy hoạch liên quan chặt trẽ đến vấn đề dân số và công tác này phải tính được điều đó.
Khu đô thị Linh Đàm bị nhồi nhét quá nhiều nhà cao tầng.
Cũng xoay quanh câu chuyện quy hoạch, theo PGS-TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà làm quy hoạch cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố như bảo vệ kiến trúc, di sản; hài hòa trong quy hoạch tổng thể.
Hà Nội nên tập trung phát triển theo hướng đô thị lõi gồm các khu phố cổ (các quận nội thành) và khu vệ tinh. Trong đó, các công trình, dự án bất động sản cao tầng nên phát triển ở khu vệ tinh. Làm được vậy sẽ tránh được việc phá vỡ quy hoạch, làm tăng dân số nội đô và ách tắc giao thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các kiến trúc sư, chuyên gia đều cho rằng, hạn chế trong tầm nhìn là nguyên nhân dẫn đến chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Ngoài ra, việc dễ dãi thỏa hiệp trong sửa đổi quy hoạch cũng là nguyên nhân khiến các đô thị đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Chuyện của Linh Đàm
10 năm trước, Linh Đàm được công nhận là đô thị kiểu mẫu với quy hoạch không gian đô thị được chạy dọc theo chiều dài hình vành khăn của hồ Linh Đàm và các tuyến giao thông bố trí hợp lý.
Tuy nhiên, 10 năm sau, Linh Đàm trở nên quá chật chội do bị nhồi nhét thêm các tòa nhà cao tầng, gia tăng dân số. Hiện khu đô thị đáng sống một thời bị nhiều người gọi vui là "khu đô thị đáng chán". Linh Đàm hiện đối mặt với nhiều vấn đề bức thiết cần được giải quyết, trong đó có sự quá tải về mật độ dân cư, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, nguồn nước.
Theo quy hoạch ban đầu, khu đô thị có diện tích 200 ha (bao gồm 74 ha hồ điều hòa), với quy mô dân số khoảng 25.000 người. Tuy nhiên đến nay, đã có thêm nhiều tòa chung cư được nhồi nhét thêm, khiến dân số tăng lên gần ba lần, khoảng 70.000 người. Đất đai không nở thêm, chỉ thêm công trình và thêm người, khiến các không gian chung, khoảng thở bị bóp nghẹt, Linh Đàm trở nên hỗn loạn, xấu xí.
Trong một chia sẻ ở Hội nghị Cụm đô thị đồng bằng sông Hồng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã phải thốt lên: “Ngày trước chính tôi ký quyết định công nhận khu đô thị kiểu mẫu cho cả Phú Mỹ Hưng và Linh Đàm, nhưng bây giờ, Khu đô thị Linh Đàm không còn giữ được như trước nữa. Không gian công viên, cây xanh giờ đã biến thành nhà ở hết. Cá nhân tôi đã góp ý với Bộ trưởng đương nhiệm là thu hồi quyết định công nhận đô thị kiểu mẫu với Linh Đàm, vì nó không còn xứng đáng”.
“Quy hoạch giờ bị phá vỡ, không còn đồng bộ. Số lượng dân cư bị tăng lên, đường sá, y tế, trường học không đáp ứng đủ, Linh Đàm giờ nhếch nhác hơn nhiều”, ông Quân nhấn mạnh.