Để xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm sang EU, doanh nghiệp cần chủ động
Từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA được thực thi, theo đó, mặt hàng gạo có hạn ngạch xuất khẩu sang thị trường EU 80.000 tấn/năm. Cụ thể, gạo chưa xay xát là 20.000 tấn, gạo xay xát và gạo thơm đều là 30.000 tấn.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam không phân bổ hạn ngạch trên mà do EU phân bổ cho các DN nhập khẩu bên phía họ. Do đó, DN xuất khẩu gạo của VN cần tìm hiểu, liên hệ với DN EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch.
Đối với gạo thơm, EVFTA yêu cầu phải có xác nhận từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam. Điều này sẽ phát sinh thêm một thủ tục hành chính, vì vậy Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định "Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu".
Trước đó, vào năm 2019, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm. Theo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, nguyên nhân là do trước đó Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên khó cạnh tranh.
"Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu gạo sang EU, nhưng do thuế suất nhập khẩu gạo vào EU cao nên gạo Việt sẽ khó cạnh tranh. Đơn cử như thuế suất nhập khẩu vào EU của thóc là 211 EUR/tấn, gạo lứt là 65 EUR/tấn, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ là 175 EUR/kg, gạo tấm là 65EUR/kg", ông Hải thông tin.
Trước đó, theo nhận định từ phía Bộ Công Thương, hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những tác động nặng nề đối với thế giới nói chung và châu Âu nói riêng. Theo đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội lớn đối với kinh tế và xã hội của Việt Nam.
"Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế nước ta, với mức dự báo lên tới 2,18 đến 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 05 năm đầu thực hiện). Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 42,7%, trong đó, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày có mức tăng xuất khẩu lên tới 65%, 81% và 99% trong cùng giai đoạn", đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Trước đó, Hiệp định EVFTA được giới chuyên môn, ví như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với liên minh châu Âu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng tốc trên con đường này thì hệ thống pháp luật, thể chế trong nước là điều kiện đủ không thể không nhắc tới.
"Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tại Chương 2, Phụ lục 2-A, EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (HNTQ) cho Việt Nam đối với gạo với lượng hạn ngạch là 80.000 tấn/năm. Trong đó, gạo thơm đã xay xát với lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm. Theo đó, các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ EU, Bộ Công Thương đã phối hợp với EU xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý hạn ngạch thuế quan của EU cho các loại gạo này. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang phối hợp sát sao với Bộ Công Thương để xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký giấy chứng nhận chủng loại gạo", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.